Sau văn bản hỏa tốc hôm 4.6 quy định từ 0 giờ ngày 5.6 cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú (người cách ly tự trả phí) 21 ngày đối với tất cả người từ TP.HCM về/đến Đồng Nai, ngay sáng 5.6 UBND tỉnh này đã phải điều chỉnh một số nội dung khi TP.HCM cho rằng “làm khó” địa phương này. Việc điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho người lao động, chuyên gia đi lại, làm việc tại các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn TP.HCM.
Chỉ riêng thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, có khoảng hơn 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hằng ngày di chuyển đến các khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc TP để làm việc. Do vậy, dễ nhận thấy ảnh hưởng thế nào tới các doanh nghiệp nếu vẫn phải áp dụng quy định cách ly của Đồng Nai.
Cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam (bao gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang), lại có vị trí địa lý giáp nhau, nên sự giao thoa về nhiều mặt giữa TP.HCM và Đồng Nai là không thể tránh khỏi. Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, có những nguyên tắc cần tuân thủ, như: phối hợp phát triển lấy kinh tế làm trọng tâm; đảm bảo nguyên tắc đồng thuận giữa các bộ ngành, giữa các bộ ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau...
Cũng trong ngày 5.6, Thủ tướng đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ ngành T.Ư về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch covid-19 và phát triển kinh tế theo “mục tiêu kép”. Công điện chỉ rõ có hiện tượng một số địa phương áp dụng những biện pháp cứng nhắc, cực đoan gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
“Chống dịch như chống giặc”, nhưng giữa các tỉnh, thành nên có sự phối hợp, đồng thuận - chưa nói đến những tỉnh thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, vốn phải xem trọng nguyên tắc phối hợp.
Bình luận (0)