Chống hàng giả bằng blockchain của phó giáo sư Việt đã đăng ký bằng sáng chế Mỹ

28/04/2022 10:00 GMT+7

Nhà sáng lập, chủ nhân thiết kế ý tưởng cho công nghệ chống hàng giả bằng blockchain (Dự án tên Deep Signature) là phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Quân.

Hiện phó giáo sư, tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Đình Quân (44 tuổi) đang công tác chuyên ngành quá trình và thiết bị sản xuất, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM. “Thực trạng hàng giả nhức nhối ở cả VN và nhiều nước phát triển trên thế giới. Một ví dụ từ Tổ chức Y tế thế giới thống kê cho thấy 10% lượng thuốc chữa bệnh trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển là thuốc giả. Như vậy hàng giả đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp tới tính mạng người dân và nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào”, PGS-TS Quân nói về lý do thôi thúc ông nghiên cứu công nghệ chống hàng giả bằng blockchain.

PGS-TS Quân (ngồi, chính giữa) cùng 6 sinh viên phát triển dự án

QUÂN ANH

Tại sao là blockchain, và chống hàng giả như thế nào? Ông Quân cho biết blockchain - công nghệ chuỗi khối được xem là bước ngoặt của công nghệ dữ liệu thế giới. Thông tin mã hóa trên blockchain không thể bị thay đổi hay can thiệp, tạo ra môi trường minh bạch cho xác thực nhưng vẫn bảo mật dữ liệu gốc nhờ mã hóa một chiều.

Theo PGS-TS Quân, mỗi sản phẩm của nhà sản xuất như mỹ phẩm, thuốc… chỉ cần một mã ID độc nhất, không trùng lặp (dạng số, chữ hoặc mã QR). Có thể tận dụng ngay các mã bất kỳ có sẵn như dãy số seri, mã sản xuất mà không cần tạo ra mã riêng.

Mô hình ứng dụng cho người tiêu dùng khi xác thực hàng thật hay giả

Minh họa cơ chế hoạt động của Deep Signature

3 trường hợp xác thực ID của hàng hóa: chính hãng, giả và hàng đã bị can thiệp

Nhà sản xuất dùng ứng dụng của Deep Signature (là Producer App) để quét hoặc nhập các mã ID, tạo thông tin, hình ảnh của sản phẩm để kích hoạt mã hóa và ghi chép lên blockchain.

Còn người tiêu dùng mở Consumer App, sau đó chọn tên nhà sản xuất, loại sản phẩm quét mã ID sản phẩm. Có 3 trường hợp xảy ra. Hàng thật nếu ID khớp. Nếu mã ID không phải nhà sản xuất kích hoạt, mã hóa, hàng chắc chắn là giả. Và hàng đã bị can thiệp vì mã ID đúng nhưng đã xác thực trước rồi.

“Mã ID của hàng hóa phải ở trong bao bì, phải đảm bảo chỉ được tiết lộ khi khách hàng mở hộp. Mã này chỉ có hiệu quả xác nhận một lần duy nhất khi sản phẩm được kiểm tra lần đầu. Kết quả mã hóa và xác nhận dữ liệu đều được máy chủ (backend) xử lý, ghi lại trên blockchain. Do đó dữ liệu không thể bị thay đổi, can thiệp, như vậy đảm bảo bảo mật, ứng dụng không biên giới khi sử dụng các blockchain phi tập trung”, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói.

Những người bạn khắp thế giới

Đồng hành cùng ông Quân trong quá trình nghiên cứu sáng chế ra công nghệ chống hàng giả bằng blockchain là những người bạn tài năng ở nhiều quốc gia. Tình cờ quen nhau từ các cuộc thi nghiên cứu khoa học, họ gắn bó cùng nhau với Deep Signature để đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Đó là TS Jiong Sun, người Mỹ, chuyên gia lập trình blockchain, kiến trúc sư phần mềm. Là chuyên gia phát triển ví blockchain, ứng dụng di động Liam Alford, người Anh và chuyên gia bảo mật hệ thống Umut Duman, người Nga.

“4 người, 4 múi giờ, mỗi tuần chúng tôi đều thống nhất họp chung một buổi lúc 10 giờ đêm VN và đó là những khoảng thời gian rất chất lượng”, ông Quân cho hay.

Ông Quân cho biết khi áp dụng công nghệ chống hàng giả bằng blockchain, doanh nghiệp chi phí sẽ rất thấp, còn người tiêu dùng là miễn phí. Lấy ví dụ, nếu một doanh nghiệp sản xuất 1 triệu hộp sữa/năm thì chi phí cho áp dụng công nghệ blockchain để chống hàng giả khoảng 10.000 đô la Mỹ/năm, tương đương 230 đồng/sản phẩm. Do đó nếu được đồng loạt thực hiện bởi các nhà sản xuất và người tiêu dùng sẽ đảm bảo thị trường lành mạnh, minh bạch, nhân văn, đảm bảo quyền lợi các bên.

Tới thời điểm này, dự án đang hợp tác với một số doanh nghiệp VN như tập đoàn máy móc Tân Tiến, mỹ phẩm Face It, H&H Eco... PGS-TS Quân cho biết vẫn sẵn sàng cung cấp miễn phí dịch vụ chống hàng giả bằng blockchain cho các công ty sản xuất khác ở VN, trong năm đầu tiên.

Truyền lửa đam mê khoa học

PGS-TS Nguyễn Đình Quân là cựu sinh viên ngành kỹ thuật hóa dầu, hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ông từng là nghiên cứu sinh quốc tế xuất sắc năm 2008 của Viện khoa học kỹ thuật Hàn Quốc (KIST), đạt thành tích nghiên cứu học thuật xuất sắc thuộc Viện nghiên cứu và phát triển IRDA của KIST năm 2008.

Ông từng giành giải đặc biệt cuộc thi Tech Planter VN 2020 và giải nhất cuộc thi Tech Planter vòng chung kết châu Á với nghiên cứu chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn để làm phụ gia ngành giấy và cellulose nano tinh thể có độ cứng gấp 8 lần thép.

Thầy Quân trao đổi với 2 sinh viên Trang, Duyên

THÚY HẰNG

Là giảng viên, ông Quân lan tỏa tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học tới người trẻ và đồng hành cùng sinh viên trong nhiều dự án như làm giấy từ vỏ sò, sản xuất trà định tâm…

Những bạn trẻ gắn bó với PGS-TS Quân trong 6 tháng qua, từ khi ông quyết định phát triển dự án công nghệ chống hàng giả tại VN là những sinh viên năng động tới từ các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó Nguyễn Quỳnh Anh là trưởng nhóm, xây dựng nội dung marketing; Nguyễn Hào là lập trình viên, thiết kế đồ họa.

Các cô gái Phạm Thị Trang, Trần Thị Mai và Trần Nguyễn Hạnh Duyên cho biết mình được học hỏi nhiều điều, đặc biệt về blockchain sau quá trình đồng hành cùng PGS-TS Quân. Trong khi đó Nguyễn Hoàn Triệu Vy đã được trải nghiệm nhiều kiến thức về khởi nghiệp và áp dụng trong thực tế kinh doanh tinh dầu của mình.

Tính sơ sơ, PGS-TS Quân cho hay riêng đã đầu tư khoảng 10.000 đô la Mỹ trong hơn 2 năm qua để nghiên cứu công nghệ chống hàng giả từ ứng dụng blockchain. Nhưng thời gian, công sức và tâm huyết dành ra cho nó mới thật sự lớn và không thể đong đếm bằng tiền.

“Thôi thúc khiến tôi rất say mê với những sáng chế, đó là vì thấy nhiều lĩnh vực sản xuất ở VN chưa có nhiều ứng dụng khoa học. Khoa học kỹ thuật là lĩnh vực giúp trực tiếp làm ra của cải vật chất, đáp ứng cho nền kinh tế. Sinh viên VN rất giỏi, năng động, tôi muốn đồng hành với các em, thúc đẩy tinh thần khám phá để cùng kiến tạo nhiều giá trị hơn nữa”, giảng viên nghiên cứu công nghệ chống hàng giả bằng blockchain bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.