Thế nên, từ hôm về sống chung, Thắng đã xua tay “em cứ đi làm cho vui thôi, tiền bạc để anh lo, không phải lăn tăn chi cho mệt đầu”.
Thế là Quyên đi làm đúng nghĩa… “cưỡi ngựa xem hoa”, như là cái cớ để diện váy áo. Lương chỉ đủ để mua sắm, mọi việc lớn đã có chồng lo.
Đúng như lời hứa, hàng tháng Thắng đưa tiền sinh hoạt cho vợ. Nhà cửa anh lo hết, muốn chuyển tới đâu, ở quận nào thuận tiện cho vợ đi làm, con đi học là anh chuyển, nhà trống thì cho thuê hoặc để họ hàng ở. Duy chỉ có một điều Quyên không biết là hiện chồng có bao nhiêu tiền, bao nhiêu bất động sản anh đứng tên riêng ngoài vài cái nhà đứng tên chung sau cưới.
|
Hỏi thì Thắng thản nhiên: “em bận tâm làm gì cho già đi, anh làm có công ty riêng, các phi vụ làm ăn cứ phải xoay tiền xoành xoạch, để vợ giữ mà lấy ra được thì... đò đã sang sông”.
Ngộ cái là, cứ Tết đến lại có vài người họ hàng đến cảm ơn, biếu quà vì đã được chồng Quyên cho vay tiền làm đám cưới con, sửa nhà, mua đất… Quyên chạnh lòng nhưng nghĩ tới nhiều người bạn cùng trang lứa còn tất bật ngược xuôi lo cơm áo thì ngưng. Coi như mình có số hưởng, quên được thì nhẹ lòng.
Một lần về nhà anh chồng giỗ bố, chị dâu tám chuyện thế nào lại buột miệng tiết lộ là chồng cô vừa mua vài trang trại, nhờ anh trai đứng tên dùm. Quyên tức điên, nghĩ rằng mình không thể làm ngơ được nữa. Biết là hỏi chồng cũng chẳng ích gì, cô âm thầm theo dõi anh.
Tìm trong két sắt thì thấy có cuốn sổ tiết kiệm của chồng gửi tiền lại ngân hàng V. nhưng vài tháng sau lại thấy chồng mang đi. Nghe láng máng trong các cuộc điện thoại thì hình như anh đã rút ra làm ăn, sau đó lại gửi vào thêm rồi chia nhỏ thành 3 khoản tiền ở 3 ngân hàng khác nhau không biết là trốn thuế hay trốn… vợ.
Đùng một cái. Chồng mất khi chung sống với nhau chưa được 10 năm. Anh mất trẻ nên không kịp viết di chúc gì, chỉ ra đi sau một cơn tai biến khi ngủ.
|
Sau những tháng ngày đau thương khóc lóc. Quyên biết rằng mình không thể làm “góa phụ ngây thơ” mãi được. Phải đứng lên bằng đôi chân của mình, thay chồng quản lý tài sản. Cũng may sống tốt nên có nhiều bạn tốt, trong đó có người bạn luật sư giỏi: “Quyên, thế cậu không làm thủ tục thừa kế à?”; “Ơ, sao phải làm, tớ tưởng chồng mất thì mặc nhiên tài sản thuộc về vợ và con anh ấy thôi?”; “Trời, sao câu ngây thơ quá vậy, biết đâu anh Thắng không muốn dành hết cho vợ mà chuyển cho họ hàng hoặc mối quan hệ nào đó thì sao?”.
Thế là việc đầu tiên Quyên phải làm là kiểm tra tiền mặt. Biết thông tin chồng gửi ở 3 ngân hàng mà mấy tháng nay không thấy thư gửi từ ngân hàng về nhà, thông tin nắm được chỉ có ngân hàng V.
Quyên tức tốc chạy đến ngân hàng V thì gặp chị trưởng phòng. Theo quy định, chị không được tiết lộ thông tin tài khoản cá nhân vì đây là quy định bảo mật cam kết dành cho khách hàng, nhưng nhìn mặt Quyên tử tế nên vị sếp kia giúp đỡ. Sau một hồi gõ gõ máy tính: “Có em ạ, chồng em có gửi vào đây mấy trăm triệu, tiền gửi không kỳ hạn, chắc để thuận lợi luân chuyển vốn làm ăn. Giờ em chỉ biết vậy, chị không thể để em rút dù là có giấy đăng ký kết hôn hoặc chứng tử. Em về làm thủ tục thừa kế nhé”.
Theo luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) trường hợp này do chồng chị Quyên chết không để lại di chúc nên đây mặc nhiên được hiểu là tài sản chung. Vì vậy, khi chồng chị chết thì số tiền ở các ngân hàng này được xác định là di sản thừa kế của chồng chị.
Chị Quyên có thể liên hệ đến các văn phòng công chứng để làm thủ tục kê khai di sản thừa kế cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của Điểm a, Khoản 1, Điều 676 BLDS 2005.
Nếu chị Quyên là vợ hợp pháp của chồng thì tài sản của chị sẽ là 50% tổng số tiền mà chồng đã gửi ở các ngân hàng. 50 % còn lại chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.
Còn vấn đề sau khi chồng mất ngân hàng không gửi thông báo tài sản về, LS Thư cho biết do ngân hàng không có nghĩa vụ phải báo cho chị Quyên. Ngân hàng chỉ có nghĩa vụ báo số lãi phát sinh cho chủ tài khoản (chồng chị) chứ không gửi cho người thân. Vì vậy, để tìm ra hai ngân hàng còn lại, chị Quyên phải có giấy chứng tử của chồng và giấy đăng ký kết hôn để đến các ngân hàng truy tìm.
Tuy nhiên, việc này rất mất thời gian nên chị Quyên có thể tìm đến các văn phòng Thừa Phát Lại để truy tìm được tài sản chồng chị gửi nhanh nhất - Vũ Phượng
|
Bình luận (0)