Chồng mất, vợ gồng gánh nuôi con: Nhờ vốn vay ưu đãi, thoát nghèo bền vững ở Nghi Sơn

26/10/2022 14:05 GMT+7

Nhiều hộ nghèo ở xã đảo Nghi Sơn (TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa ) đã thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay ưu đãi. Nhờ vậy, nhiều đứa trẻ nơi đầu sóng ngọn gió thêm vững bước đến trường vì ngày mai tươi sáng hơn.

Hồi sinh nhờ vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo

Nghi Sơn là một trong 3 xã đảo ở tỉnh Thanh Hóa, là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Xã đảo này có đến 65% người dân làm nghề đánh bắt hải sản (35% dân số còn lại làm nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ), không có đất nông nghiệp, nên khi đến Nghi Sơn chỉ thấy cảnh ngư dân nhộn nhịp tàu thuyền, và những bà, những chị tấp nập buôn bán các loại hải sản ở khu vực bến cảng.

Nhiều hộ nghèo ở xã đảo Nghi Sơn đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Minh Hải

Xã Nghi Sơn nằm trọn trên vùng đất mà xưa kia người dân thường gọi là đảo Biện Sơn. Toàn bộ diện tích tự nhiên của xã rộng hơn 327 ha, nhưng trong đó chỉ có hơn 18 ha đất thổ cư (còn lại là đồi, núi trồng cây lâm nghiệp), là nơi sinh sống của gần 10.000 nhân khẩu (mật độ dân số 4.500 người/km2).

Đất chật, người đông, nên nhịp sống ở Nghi Sơn nhộn nhịp hơn những nơi khác. Tuy vậy, đằng sau cảnh nhộn nhịp đó, vẫn còn hàng trăm hộ gia đình nghèo cần được hỗ trợ để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Mẹ đơn thân nuôi 3 con, thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Căn nhà 2 tầng, nền rộng chừng 30 m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Nam Sơn (xã Nghi Sơn), là nơi 4 mẹ con chị Trần Thị Dung (37 tuổi) sinh sống.

Trong căn nhà, khá đầy đủ vật dụng. Chị Dung cho biết để có cuộc sống ổn định như hiện nay một phần là nhờ vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn.

Căn nhà khá khang trang của gia đình chị Trần Thị Dung

Minh Hải

“10 năm trước, chồng tôi đi biển thuê gặp tai nạn tử vong. Từ đó, một mình tôi gồng gánh nuôi 3 đứa con nhỏ. Sau khi chồng mất, nguồn thu nhập chính không còn, 3 đứa con còn nhỏ nên tôi chẳng làm được gì để có thu nhập, nên gia đình trở thành hộ nghèo. Năm 2013, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng. Tuy không nhiều, nhưng số tiền đó giúp cho tôi có vốn để đi mua bán hải sản nhỏ ở bến cá và nuôi lợn. May mắn thay, buôn bán hải sản cũng cho thu nhập ổn định, có tiền chi tiêu hằng ngày, còn nuôi lợn giúp tôi có một khoản thu lớn hơn để dành cho các con ăn học”, chị Dung kể.

Thế rồi, thấm thoát 10 năm đã trôi qua, các con chị Dung được nuôi dạy và ăn học đầy đủ, năm học nào các cháu cũng là học sinh khá, giỏi. Kinh tế gia đình ổn định với thu nhập từ nghề buôn bán hải sản và nuôi lợn. Vì thế, gia đình chị Dung đã thoát nghèo 5 năm qua.

Tương tự gia cảnh chị Dung, chồng bà Đồng Thị Thủy (47 tuổi, ngụ xã Nghi Sơn) gặp tai nạn giao thông, tử vong 15 năm trước khiến gia đình bà lâm cảnh hộ nghèo.

Bà Đồng Thị Thủy vẫn làm nghề buôn bán hải sản và có thu nhập ổn định sau hơn 10 năm vay vốn ưu đãi hộ nghèo

Minh Hải

“Năm 2008, sau khi chồng tôi mất, gia đình trở thành hộ nghèo, và được hỗ trợ vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng. Tôi đã hùn vốn cùng mấy chị em ở xóm đi buôn hải sản. May mắn thuận buồm xuôi gió nên có thu nhập ổn định. Những ngày tháng khó khăn, vất vả đó cũng qua đi nhờ đồng vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo. Nay 3 đứa con của tôi đã khôn lớn, đều có việc làm, có thu nhập. Tôi thấy rằng đồng vốn dù ít, dù nhiều nhưng hỗ trợ đúng lúc sẽ rất hữu ích”, bà Thủy chia sẻ.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Bà Phạm Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Sơn đánh giá, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách cho hộ nghèo ở xã Nghi Sơn đã phát huy hiệu quả rất tích cực, vì hỗ trợ đúng lúc, đúng thời điểm.

“Mức vay cho hộ nghèo trước đây cao nhất là 50 triệu đồng, hiện nay là 100 triệu đồng. Nguồn vốn không phải lớn nếu muốn đầu tư kinh doanh quy mô lớn, nhưng cũng không phải ít đối với những hộ nghèo, hộ khó khăn. Những năm qua, đã có hàng trăm hộ nghèo ở xã Nghi Sơn được vay vốn, và đều phát huy tốt hiệu quả, không có nợ xấu. Theo tôi, tiền dù ít, nhưng vay đúng lúc, đúng thời điểm sẽ cho hiệu quả rất tích cực. Minh chứng là rất nhiều hộ nghèo ở xã này, khi họ gặp hoạn nạn, khó khăn, đồng vốn đến với họ như đòn bẩy giúp họ vực dậy kinh tế, thoát nghèo bền vững”, bà Nga chia sẻ.

Theo thống kê của UBND xã Nghi Sơn, năm 2016 xã này có đến 17,6% hộ nghèo, nhưng đến nay chỉ còn 8,89% hộ nghèo (234 hộ).

Những đồng vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo cùng với ý chí vươn lên của người dân, đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Theo thông tin từ Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Thanh Hóa, đến hết tháng 8.2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách là gần 11.900 tỉ đồng, với hơn 246.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo dư nợ 1.308,1 tỉ đồng, với hơn 23.600 hộ đang vay vốn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.