Như Thanh Niên đã đưa tin, đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Phước ngày 2.9 cho biết đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh vận tải; thu hồi 84 phù hiệu của 21 đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm tốc độ. Quyết định xử lý được đưa ra dựa trên dữ liệu được trích xuất từ ngày 1 - 30.6 vừa qua.
Từ nhiều năm qua, theo luật định, các loại phương tiện đường bộ hoạt động kinh doanh như taxi, xe khách tuyến cố định, xe khách hợp đồng, xe tải, xe bồn... phải gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT).
Tuy nhiên, việc chủ động truy xuất dữ liệu từ “hộp đen” để xử lý sớm các vi phạm của các phương tiện vẫn chưa thực sự phổ biến. Bằng chứng là qua nhiều vụ TNGT từng xảy ra, không ít lần khi cơ quan chức năng truy xuất dữ liệu từ “hộp đen” của phương tiện liên quan, thì kết quả cho thấy có nhiều lần vi phạm chạy quá tốc độ cho phép. Nếu những phương tiện như vậy bị xử lý từ sớm thì hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro TNGT.
Vì thế, việc Bình Phước xử lý các xe vi phạm như trên là rất đáng hoan nghênh và điều này cũng cần mở rộng ra nhiều địa phương. Không dừng lại ở đó, theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực, thì xe kinh doanh vận tải (từ 9 chỗ ngồi trở lên) và xe container, đầu kéo phải gắn camera hành trình, bao gồm cả ghi hình tài xế bên trong xe. Nghị định cũng quy định về thời gian lưu trữ video được ghi lại, đồng thời truyền hình ảnh theo tần suất từ 12 đến 20 lần/giờ (tương đương từ 3 đến 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhờ đó, ngoài “hộp đen” thì cơ quan chức năng còn có thêm dữ liệu để có thể chủ động xử lý các trường hợp vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu giao thông…
Từ các điều kiện trên, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa các rủi ro TNGT thông qua dữ liệu từ “hộp đen”, camera hành trình để kịp thời xử lý các phương tiện, tài xế vi phạm như cách mà Sở GTVT tỉnh Bình Phước thực hiện. Bên cạnh đó, vì các dữ liệu trên cũng truyền về đơn vị kinh doanh vận tải, chủ xe nên cần ràng buộc thêm trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải, chủ xe để bắt buộc chủ động xử lý những tài xế vi phạm. Nếu một đơn vị để nhiều tài xế, phương tiện vi phạm nhiều lỗi trong thời gian dài thì cũng cần liên đới trách nhiệm khi bị cơ quan chức năng phát hiện.
Tương tự, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện tình trạng tài xế sử dụng rượu bia, ma túy ngay từ khi xuất phát ở các bến, bãi xe chứ không chỉ kiểm tra trên đường. Chủ động phòng ngừa, nhiều đơn vị vận tải đã tự trang bị máy đo nồng độ cồn để kiểm tra tài xế trước mỗi chuyến đi và nếu tài xế nào vi phạm thì bị đình chỉ.
Khi phòng ngừa bằng các biện pháp trên, chắc chắn rủi ro TNGT sẽ giảm đáng kể. Chính vì thế, việc chủ động thực hiện là rất cần thiết, chứ đừng để mất bò mới lo làm chuồng!
Bình luận (0)