Đáng lo lắng hơn với mợ Ba chính là đứa con của họ, dù đã 27 tuổi nhưng vì căn bệnh thiểu năng từ nhỏ nên anh vẫn như đứa trẻ lên 3 ngày nào. Vắng cậu Ba trong nhà, bà không dám nghĩ đến tương lai phía trước của đứa con mình.
Chia ly
Tranh thủ sau khi bán hết vé số về nhà, bà Nguyễn Thị Bé (64 tuổi, thường được gọi là mợ Ba) men theo con hẻm nhỏ đến chùa gần nhà, nơi bà gửi tro cốt của chồng là ông Nguyễn Trưng (72 tuổi, mang hai dòng máu Việt - Pháp, thường được gọi là cậu Ba) sau khi ông mất vì Covid-19 trong bệnh viện.
“Nhớ 100 ngày của cậu nha con”
“Dạ để con tranh thủ đi bán thêm vé số rồi con gửi chút cho sư cô làm mâm cúng”, mợ Ba trả lời sư trụ trì rồi lẳng lặng ra về.
Ông Nguyễn Trưng lúc sinh thời, thời điểm PV Thanh Niên tìm đến để viết về câu chuyện một chuyện tình đẹp của ông bà |
Trịnh thanh |
Mợ Ba đến chùa hương khói, cầu nguyện cho chồng hàng ngày |
lê hồng hạnh |
Đi qua thêm hai con hẻm ngoằn ngoèo là đến căn phòng trọ của bà Bé, vì ở trọ không tiện để bàn thờ, hàng ngày nếu bán hết vé số sớm, bà sẽ tranh thủ qua chùa thăm và hương khói cho chồng.
Vóc dáng vốn gầy gò của mợ Ba càng liêu xiêu hơn sau khi cả gia đình vượt qua biến cố. Giữa tháng 9, cả gia đình bà đều nhiễm Covid-19, bệnh của cậu Ba trở nặng nên phải vào điều trị tại bệnh viện còn mợ và con trai là Nguyễn Phú Khải (29 tuổi, tên ở nhà là Long) tự điều trị tại nhà. Hai mẹ con bà nhanh chóng nhận kết quả âm tính, tuy nhiên chồng bà không qua khỏi.
Gia đình bà Bé lúc ông còn sống, một mái ấm đơn sơ nhưng đong đầy tình cảm |
trịnh thanh |
Căn phòng trọ mới tuy sạch sẽ hơn nhưng lại trống vắng hơn |
lê hồng hạnh |
Lần cuối mợ Ba gặp cậu Ba là ở phòng trọ cũ, từ ngày cậu Ba đi bệnh viện là mất liên lạc, gần 1 tháng sau thì cậu mất, tro cốt được gửi về nhà. Nhìn di ảnh chồng trên tường, mợ Ba kể lại hai ông bà gặp nhau khi còn làm việc tại chợ Phú Lâm (Q.6, TP.HCM). Ngày đó, mợ Ba từ quê Bến Tre lên Sài Gòn làm thuê, ông Trưng hay sang giúp bà Bé những công việc nặng nhọc nên dần cảm mến nhau.
Bà Bé vẫn chưa hết xúc động mỗi khi nhìn di ảnh chồng |
lê Hồng hạnh |
Được mẹ cậu Ba chấp thuận, hai người nên duyên vợ chồng. Tuy rằng chồng Tây có phần khờ khạo nhưng ông bà vẫn sống với nhau hạnh phúc. Sau này mẹ của cậu Ba mất đi, bà Bé gửi tro cốt vào chùa và hương khói đều đặn. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi con trai ông bà là anh Long vừa sinh ra đã bị thiểu năng trí tuệ, suy nghĩ vẫn như một đứa trẻ dù năm nay đã ngót nghét 29 tuổi.
Chồng con ngờ nghệch, gia đình mợ Ba đi bán vé số để kiếm sống. Không nhớ rõ bắt đầu bán từ khi nào nhưng mợ Ba nhẩm tính khoảng mấy chục năm từ lúc vé số còn 2.000 đồng/1 tờ đến nay. Trước dịch, hai vợ chồng bà đi bán vé số thường dẫn theo bé Long để tiện chăm sóc. Nay cậu Ba mất, mợ Ba phải để bé Long ở nhà một mình rồi đạp xe đạp đi bán trưa tối tranh thủ về nhà để lo cơm nước cho con trai.
“Mợ mất rồi bé Long phải làm sao”
Căn phòng trọ mới rộng và thoáng mát hơn được mợ Ba thuê với giá 3 triệu đồng/tháng. Căn nhà trống trơn chỉ có vài đồ dùng sinh hoạt chủ yếu được người ta cho lại, một chiếc võng và một chiếc giường xếp để mẹ con ngả lưng. Trước đây khi còn cậu Ba, cả gia đình bà ở trong phòng trọ cũ kỹ, chật hẹp và không đảm bảo vệ sinh.
Bé Long vẫn ngờ nghệch dù đã 29 tuổi |
lê hồng hạnh |
Lúc đó, mợ Ba có mong muốn chuyển đến căn phòng sạch sẽ hơn. Khi đổi được phòng trọ mới rồi lại không còn cậu Ba nữa. Bà ngẫm lại, khoảng thời gian khi còn cậu Ba trong căn phòng luôn ngập tràn tiếng cười nói vẫn hơn bây giờ.
Vốn dễ xúc động, mợ Ba chực trào nước mắt. “Cậu Ba mất rồi mợ buồn lắm, mợ nhớ cậu lắm, nhiều đêm mợ không ngủ được, cứ thao thức lúc 3 - 4 giờ sáng. Cũng may được đi bán vé số lại gặp người này người kia nói chuyện tâm lý mợ cũng đỡ hơn. Nhiều lúc đi bán vé số mà mợ nghĩ cậu vẫn còn đợi ở nhà”, mợ Ba tâm sự.
Chiếc xe đạp được mạnh thường quân cho lại bà dùng để đạp xe đi bán vé số hàng ngày |
lê hồng hạnh |
Không còn chồng bên cạnh, một mình mợ Ba chăm sóc cho bé Long. Thấy bé Long ngày ngày quanh quẩn ở phòng trọ không có ai bầu bạn, chủ trọ đem qua cho một chiếc điện thoại cũ có thể kết nối mạng để bớt buồn.
“Lên mạng được, cái này vẫn lên mạng được nè”, bé Long cầm điện thoại lên khoe.
Nhìn con trai, lòng mợ Ba lại ngập tràn lo lắng, bà sợ khi bà mất đi thì bé Long không còn người bên cạnh quan tâm chăm sóc. “Tội nghiệp lắm, ngoan lắm biết ba biết mẹ, nói gì cũng nghe hết. Nhưng mấy ai chịu được người ngờ nghệch ngoài cha mẹ người thân”, bà bộc bạch.
Mợ Ba gầy gò xanh xao hơn, bà lo lắng khi bà mất thì không ai chăm sóc bé Long |
lê hồng hạnh |
“Mợ Ba già rồi, giờ mợ sao cũng được nhưng bé Long không biết phải làm sao, mà mấy người xung quanh bảo bà cứ lo xa sinh bệnh nữa, bà có bị gì thì có người ta nuôi bé Long. Giờ gắng lo được bao lâu thì ráng lo tiếp đã. Qua dịch vẫn còn giữ được mạng sống là may rồi”, bà nói tiếp.
Lớn tuổi, dễ xúc động nên tâm lý mợ Ba bị ảnh hưởng nặng nề hậu Covid-19, đến bây giờ bà vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất người thân |
lê hồng hạnh |
Những di chứng hậu Covid khiến sức khỏe của mợ Ba không còn như trước, Lớn tuổi, tai bà cũng nghe câu được câu mất. Vé số cũng ế ẩm, mỗi ngày bà chỉ bán được khoảng 70 tờ vé số. Số tiền dành dụm được bà để dành đóng tiền trọ, lo ăn uống, mỗi tháng vẫn phải nhờ đến khoản trợ cấp nhỏ của bé Long.
Không có họ hàng nội ngoại cũng không có quê để về, mỗi năm đến Tết gia đình 3 người mợ Ba quây quần bên nhau, đi chùa rồi về nhà. Năm nay vắng cậu Ba, mợ Ba không dự tính gì nhiều vì vẫn chưa vượt qua cú sốc mất đi người thân vì đại dịch Covid-19. Những ngày cuối năm, mợ Ba vẫn hàng ngày đạp xe cố gắng bán thêm vé số để trang trải cuộc sống.
Bình luận (0)