Chống tham nhũng cấp tỉnh: An Giang đứng đầu, Bắc Kạn về chót

29/03/2019 12:49 GMT+7

An Giang là tỉnh đạt điểm cao nhất cả nước với 77,96 điểm trong khi đó Bắc Kạn chỉ đạt 37,1 điểm, theo báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017 vừa được công bố.

Chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu

Theo báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017 (PACA Index) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, điểm trung bình mà các địa phương đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 là 61,28 điểm.
Thanh tra Chính phủ nhận định, điều này cho thấy công tác phòng chống tham nhũng ở cấp tỉnh hiện nay mới đạt được 61,28% yêu cầu, chưa đáp ứng mục tiêu về phòng chống tham nhũng mà Đảng, Chính phủ đề ra.
Cũng theo báo cáo, An Giang là địa phương có mức điểm cao nhất với 77,96 điểm, trong khi tỉnh đạt điểm thấp nhất là Bắc Kạn với 37,1 điểm, chênh lệch lên tới 32,11 điểm.
 
 
PACA Index 2017 là báo cáo lần thứ 2 được Thanh tra Chính phủ công bố sau PACA Index năm 2016.
PACA Index 2017 được tiến hành từ tháng 2 - 8.2018 theo phương pháp các UBND cấp tỉnh tự đánh giá theo Bộ chỉ số PACA sau đó Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát và công bố báo cáo chung toàn quốc.
Bộ chỉ số PACA 2017 được xây dựng với 4 nội dung với thang điểm 100: Quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng (20 điểm); Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa (30 điểm); Kết quả phát hiện các hành vi tham nhũng (25 điểm); Kết quả xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm).
Trong mỗi nội dung có các tiêu chí và tiêu chí thành phần. Tổng cộng 4 nhóm nội dung có 21 tiêu chí và 52 tiêu chí thành phần.
Phân tích cơ cấu điểm số theo nội dung đánh giá cho thấy, về công tác quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng (chiếm 20% cơ cấu điểm), điểm trung bình cả nước đạt 17,36 điểm, đạt tới 86,8% yêu cầu.
Trong khi đó, nội dung kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được cơ cấu 30 điểm, thì thực tế điểm trung bình cả nước chỉ đạt 19,51 điểm, đạt 65,03% yêu cầu.
Đáng nói hơn, nội dung kết quả phát hiện tham nhũng (chiếm 25% số điểm) thì trung bình cả nước chỉ đạt 10,14 điểm, chỉ đáp ứng được 40,56% yêu cầu.
Nội dung kết quả xử lý tham nhũng cũng được cơ cấu 25% số điểm, nhưng trên thực tế, điểm bình quân cả nước chỉ đạt 14,29 điểm, đáp ứng được 57,16% yêu cầu.

37/63 tỉnh bị điểm 0 về phát hiện tham nhũng

Chi tiết về nội dung kết quả phát hiện tham nhũng ở địa phương, Thanh tra Chính phủ nhận định, với số điểm 10,14/25 điểm, thấp hơn năm 2016, cho thấy các địa phương đã đánh giá thực chất hơn công tác phát hiện các hành vi tham nhũng sau khi đã rút kinh nghiệm qua thí điểm đánh giá lần đầu năm 2016.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu cho các địa phương về việc tăng cường phát hiện các hành vi tham nhũng trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tệ nạn tham nhũng.
Báo cáo cũng cho hay, trong nội dung phát hiện tham nhũng, Vĩnh Long là địa phương đạt mức điểm cao nhất với 23,13/25 điểm, đạt 92,52%. Kết quả này vượt trội so với lần đánh giá đầu tiên vào năm 2016, khi Vĩnh Long chỉ đạt 7,2/25 điểm (28,8%).
Địa phương đạt kết quả thấp nhất trong nội dung phát hiện tham nhũng là Bắc Kạn với 2,39/25 điểm, chỉ đạt 9,56% yêu cầu.
Phân tích sâu về cơ cấu điểm số cũng cho thấy, việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và công tác giám sát còn đạt thấp, đóng góp tương ứng 30,1,9% và 8,7% so với yêu cầu (tương đương 1,8/6 và 0,43/5 điểm).
“Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích tăng cường tự kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện sớm các hành vi tham nhũng, góp phần ngăn chặn và hạn chế hậu quả của các hành vi tham nhũng nội bộ, thì kết quả trên là chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra”, báo cáo nêu.
PACA 2017 đánh giá công tác phát hiện tham nhũng qua 5 nội dung chính gồm: (1) công tác tự kiểm tra nội bộ; (2) công tác thanh tra; (3) công tác giải quyết tố cáo tham nhũng; (4) công tác giám sát; và (5) công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng.
Tại nội dung phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ, có tới 37 địa phương đạt điểm 0, trong khi chỉ có 11 tỉnh, thành phố đạt số điểm tối đa. Bên cạnh đó, có tới 53/63 tỉnh, thành phố không đạt điểm nào ở mục phát hiện tham nhũng qua công tác giám sát.
Báo cáo cũng cho hay, kết quả phát hiện tham nhũng vẫn chủ yếu thông qua công tác thanh tra và qua công tác điều tra, truy tố, xét xử với mức điểm đạt 46,44% và 80,3% yêu cầu.
Tại tiêu chí phát hiện hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra, chỉ có 7/63 tỉnh, thành phố đạt điểm tối đa, trong khi có tới 17/63 tỉnh thành không phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra.
Trong khi đó, việc phát hiện tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, chỉ có 7/63 tỉnh, thành là không phát hiện ra tham nhũng.

Đắk Nông, Hà Tĩnh thu hồi 100% tài sản tham nhũng, TP.HCM chỉ 4%

Cũng theo báo cáo do Thanh tra Chính phủ công bố, ở nội dung xử lý tham nhũng, Đắk Nông là địa phương đạt mức điểm cao nhất với 22,5/25 điểm, trong khi tỉnh đạt mức điểm thấp nhất là Bình Phước với 3,28/25 điểm.
Có 10 tỉnh không có kết quả xử lý hành chính về hành vi tham nhũng. Có 4 địa phương trong năm 2017 là không có điểm về xử lý hình sự là Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Dương và Hà Tĩnh.
Một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 3,44/10 điểm, chỉ đáp ứng 34,44% so với yêu cầu.
“Điều này cho thấy, việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra còn thấp, chưa đạt được với yêu cầu của việc xử lý hành vi tham nhũng”, báo cáo nêu.
Trên cả nước có Đắk Nông và Hà Tĩnh là thu hồi được 100% số tài sản, đất đai tham nhũng thông qua các biện pháp hành chính, hình sự; các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Long, Gia Lai cũng thực hiện rất tốt trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong năm 2017 (đạt trên 65% so với yêu cầu chung).
Báo cáo cũng dẫn ví dụ của TP.HCM cho biết, theo số liệu thống kê, số tiền cần thu hồi từ các vụ án xử lý tham nhũng trong năm 2017 của thành phố chỉ có 42 tỉ đồng, điều này bị đánh giá là không tương xứng với thiệt hại, trong khi chỉ thu hồi được 1,7 tỉ đồng (4%) là rất thấp.
PACA 2017 đánh giá công tác xử lý tham nhũng qua 3 nội dung chính là: (1) đánh giá kết quả xử lý kỷ luật hành chính đối với cá nhân, tổ chức đã xảy ra tham nhũng; (2) kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và (3) hiệu quả của địa phương trong công tác phòng chống tham nhũng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.