|
Bày tỏ đồng tình với báo cáo đánh giá và giải pháp của Chính phủ, đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng trong điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần phải quan tâm 3 lĩnh vực thương mại, đầu tư và tín dụng.
“Về đầu tư thì năng lực doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế, cả về vốn và năng lực cạnh tranh. Chúng tôi không hiểu vì sao có tới 80% dự án lớn về giao thông, các nhà thầu TQ đều trúng. Phải chăng là giá rẻ?”, ông Tùng đặt vấn đề và cho rằng: “Nếu giá rẻ, đúng tiến độ thì rất tốt nhưng ở đây các nhà thầu TQ sau khi trúng thầu đều chậm tiến độ, chất lượng công trình không đảm bảo, tăng giá thành và không sử dụng lao động trong nước. Đây là vấn đề trong điều hành kinh tế Chính phủ phải quan tâm”.
“Tham nhũng là giặc nội xâm, đấu tranh chống tham nhũng là bảo vệ tồn vong chế độ. Hiện nay, bên cạnh đấu tranh với giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc thì đấu tranh chống giặc nội xâm cũng nhiều khó khăn. Cử tri và nhân dân cả nước đề nghị QH, Chính phủ có những biện pháp, giải pháp quyết liệt tuyên chiến với tham nhũng như tuyên chiến với đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia”, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói.
Trong tình hình mới, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ cần coi vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) không chỉ thuần túy là một ngành có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế mà còn là trụ cột, bệ đỡ cho sự phát triển ổn định và bền vững về mọi mặt, cả về kinh tế, xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh và giữ vững chủ quyền quốc gia. Cùng đề cập vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nêu nhiều nghịch lý: Việt Nam có 7 sản phẩm nông sản nằm trong top thế giới như gạo, cà phê, tiêu, cao su... 12 loại cây, con có năng suất cao hơn vùng có năng suất cao của thế giới. “Nhưng thu nhập của nông dân vẫn thấp?”, ông đặt vấn đề và chỉ ra nhiều khó khăn tồn tại của nông nghiệp khi tăng trưởng đang theo xu hướng giảm dần, trong 30 năm qua không có “cuộc cách mạng” về cung cấp đầu vào và đầu ra cho người nông dân. Từ đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 2 giải pháp quy hoạch, 6 giải pháp đầu ra và 5 giải pháp đầu vào cho nông nghiệp. Trong đó, cần quy hoạch cây, con mà Việt Nam có lợi thế so sánh kép. Nội địa hóa đầu vào các sản phẩm cung cấp cho nông nghiệp, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm nông nghiệp... “Chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt chuyển dịch cơ cấu đem lại thu nhập cao cho nông dân nhưng phải làm một cách quyết liệt. Bên cạnh đó là sự giám sát kiểm tra, sự giám sát đó là của nhân dân, của đại biểu QH và của MTTQ", ông nói.
Giải trình thêm với đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết trong năm qua Bộ đã triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành, đã xây dựng 12 đề án liên quan tới từng lĩnh vực trồng trọt chăn nuôi... và đang được các tỉnh thành triển khai. Đánh giá vấn đề biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Phát cho biết trong những tháng tới sẽ tập trung tháo gỡ về thị trường xuất nhập khẩu, điều chỉnh các ngành hàng, giảm sự phụ thuộc vào thị trường TQ.
Thái Sơn - Nguyệt Minh
Bình luận (0)