Chống vàng hóa

18/11/2011 23:53 GMT+7

Sau ngoại tệ, giao dịch bằng vàng đã chính thức được "siết" lại với quy định xử phạt mạnh tay hơn. Nhưng tính khả thi của quy định này đang bị nghi ngờ bởi nhiều lý do.

Sau ngoại tệ, giao dịch bằng vàng đã chính thức được "siết" lại với quy định xử phạt mạnh tay hơn. Nhưng tính khả thi của quy định này đang bị nghi ngờ bởi nhiều lý do.

Đầu tiên là khâu tuyên truyền quá yếu. Một chính sách có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống người dân, doanh nghiệp (DN) và tác động trực tiếp lên nền kinh tế nhưng triển khai cả tháng trời nhiều người vẫn không biết. Điều này thể hiện công tác tuyên truyền của cơ quan quản lý chưa được thực hiện tới nơi, tới chốn. Trong khi lẽ ra, nó phải được đẩy mạnh, phổ biến rộng rãi trước khi có hiệu lực. Để người dân, DN khi bị xử phạt mạnh tay, thậm chí bị tịch thu vàng cũng "tâm phục, khẩu phục".

Còn làm theo kiểu "âm thầm" như hiện nay, họ hoàn toàn có thể cho rằng, cơ quan quản lý cố tình cho họ vào tròng. Quan trọng hơn, thói quen "quy ra vàng" trong các hình thức giao dịch, định giá tài sản ở đại bộ phận dân cư VN là mang tính lịch sử. Vì vậy, để thay đổi và chấm dứt hẳn thói quen này thì các biện pháp xử phạt hành chính cũng không thể giải quyết được vấn đề. Đó là chưa kể, không thể có lực lượng nào "bao" nổi việc kiểm tra thường xuyên tất cả các giao dịch này của người dân, DN. Hoặc giả có thể thực hiện đi chăng nữa thì hàng loạt các chiêu thức sẽ được sử dụng để lách, đối phó, qua mặt cơ quan quản lý. Điều này đã và vẫn đang xảy ra trên mặt trận chống đô la hóa mà chúng ta triển khai lâu nay.

Phải khẳng định rằng, việc cấm giao dịch, thanh toán, niêm yết bằng vàng là hoàn toàn đúng đắn. Đây cũng là một trong những bước quan trọng trong việc thực hiện chống vàng hóa nền kinh tế mà chúng ta đang đau đầu lâu nay. Bởi nếu để vàng hóa, đô la hóa lan rộng, chính sách tiền tệ sẽ bị vô hiệu hóa, bị tê liệt. Nhưng cũng phải thừa nhận, trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay, việc người dân tích vàng, trữ vàng, "quy ra vàng" là không thể tránh khỏi. Tâm lý đầu cơ còn thì nhu cầu nhập khẩu vàng còn, những câu chuyện khóc - cười vì vàng, vấn đề hàng trăm tấn vàng "chết" trong tủ nhà dân vẫn còn...

Nói như vậy để thấy, công cuộc chống vàng hóa không thể chỉ dựa vào chuyện phát hiện, bắt bớ một vài vụ thanh toán, giao dịch bằng vàng. Nó cần một chiến lược tổng thể, dài hơi có lộ trình thực hiện từng bước, theo từng giai đoạn một cách bài bản, phù hợp. Đó là tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định vĩ mô, tăng chất lượng đầu tư công... mục đích cuối cùng là tăng sức mạnh cho đồng nội tệ. Khi niềm tin về đồng nội tệ được củng cố, thói quen trữ vàng, ngoại tệ sẽ được thay đổi.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.