Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?

Chớp bóng - ngành hái ra tiền

10/08/2023 07:20 GMT+7

"Tụi sinh viên nhà nghèo khoái nhất là được "coi cọp" những phim "nước nhất", hoặc phim chiếu "nước hai, nước ba" ở rạp hạng bình dân, giá vé rẻ", nhà báo Lưu Đình Triều (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hài hước kể.

Coi phim mà sướng "RÊN mé đìu hiu"

Nhà báo Lưu Đình Triều, một người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhớ về các rạp chiếu bóng trong ký ức ở thập niên 1970: "Khi còn bé, tôi sống ở Biên Hòa, Đồng Nai, thường đi "coi cọp" ở nhiều rạp chiếu bóng các phim chiếu lại từ rạp tại Sài Gòn. Năm 1973, tôi 18 tuổi, lên Sài Gòn học trường Luật, đó là lúc thế giới chiếu bóng và cải lương chính thức trở thành một hồi ức khó phai của tôi. Không hiểu có phải do ảnh hưởng việc từ nhỏ chuyên đi coi cọp ở Biên Hòa chăng mà càng lớn tôi càng ghiền xem chiếu bóng. Sài Gòn là mảnh đất quá màu mỡ cho rừng phim ảnh tứ xứ. Nó có khoảng hơn 60 rạp đủ loại. Rạp lớn, rạp nhỏ, rạp chiếu thường trực, rạp chiếu theo suất, rạp chiếu phim mới thì nhiều nhưng cũng có rạp chuyên chiếu phim cũ. Nhiều rạp nhiều nơi nhưng tôi chỉ chọn rạp gần trường và có giá vé rẻ".

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Chớp bóng - ngành hái ra tiền - Ảnh 1.

Poster phim Bẽ bàng (Nửa đời hương phấn) với kỳ nữ Kim Cương năm 1961

Nhà sưu tầm Vũ Hải

"Lúc đầu, tôi hay xem ở rạp Lê Lợi, gần chợ Bến Thành (đường Lê Thánh Tôn, bây giờ là phòng trà Không Tên). Nơi mà khách hàng thường xuyên là sinh viên, học sinh… Rạp này chiếu phim cũ nhưng toàn phim hay và vé rất rẻ. Thi thoảng tôi cũng chịu lết xuống rạp Long Phụng, nằm trên đường Gia Long (đường Lý Tự Trọng hiện nay; rạp Long Phụng giờ là trụ sở Nhà hát nghệ thuật hát bội nhưng bỏ hoang - PV). Nơi đây thường chiếu phim Ấn Độ, loại phim mà thuở nhỏ tôi hay xem. Sau một thời gian xem phim ở rạp nhỏ, tôi mới phát hiện ra một rạp lớn thuộc vào hàng hiện đại bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ là Rex, chuyên chiếu phim Pháp, Mỹ cũng có giá rất mềm ở suất chiếu đầu giờ sáng. Lần đầu đặt chân vào Rex, tôi có phần choáng ngợp trước cái màn ảnh đại vĩ tuyến rộng đến 150 m2. Phim được chiếu tại đây là phim 70 mm với dàn máy chiếu chỉ có tại Rex. Ngồi dựa lưng vào chiếc ghế nệm êm ái, tôi say mê theo dõi diễn xuất của Louis de Funès, một diễn viên ăn khách của điện ảnh Pháp thập niên 1960 - 1970. Dù trong vai một cảnh sát trưởng nhưng từng động tác, lời nói của ông đều toát ra sự hài hước, khiến tôi phải cười liên tục. Vừa xem phim vừa nghe âm thanh nổi stereo, đúng là tôi sướng "rên mé đìu hiu" (chữ của nhà văn Duyên Anh trước 1975 thường sử dụng trong các tác phẩm - PV)", nhà báo Lưu Đình Triều kể.

Chớp bóng - ngành hái ra tiền - Ảnh 2.

Poster phim Trận phong ba năm 1938 chiếu tại rạp Casino Sài Gòn

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp

"Sau lần đó, tôi thường xuyên xem phim trong khung cảnh trang nhã và sang trọng của Rex. Một bộ phim xem ở đây khiến lòng tôi cứ nôn nao ước muốn kiếm tìm bạn gái như trong phim là Love Story - Chuyện tình. Bộ phim không chỉ cuốn hút tôi mà còn ăn sâu trong tâm trí nhiều thế hệ khán giả bởi chuyện tình trong phim quá xúc động. Chưa kể một giai điệu nhạc phim bất hủ và một câu thoại được nhiều bạn bè đã từng trải của tôi xem nó như một chân lý: Love means never having to say you're sorry/Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói lời xin lỗi", ông chia sẻ.

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Chớp bóng - ngành hái ra tiền - Ảnh 2.

Rạp Long Phụng nay vẫn ở trên đường Lý Tự Trọng với bảng hiệu Nhà hát nghệ thuật hát bội nhưng đóng cửa

Lê Vân

Chủ rạp ăn nên làm ra

Nhiều hãng phim Việt trước 1975, chủ rạp hát, rạp chiếu bóng cũng ăn nên làm ra nhờ mua các phim độc quyền trên thế giới hoặc sản xuất phim VN chiếu rạp như hãng phim Trần Quốc Bình, hãng Mỹ Vân, An-Pha, Nhóm trẻ… Như bộ phim đình đám của kỳ nữ Kim Cương "bao rạp" là Nửa đời hương phấn năm 1961 (hãng phim An-Pha). Hay các phim có tên tài tử "bảo chứng" doanh thu như Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, Hùng Cường, Chánh Tín, Bạch Tuyết… lúc nào cũng được ưu tiên chiếu trước nhất ở tất cả các rạp và luôn làm loạn giới "phe vé chợ đen".

Chớp bóng - ngành hái ra tiền - Ảnh 4.

Poster phim Long hổ quần anh hội, rạp Eden Sài Gòn năm 1973

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp

"Không thể không nhắc đến bộ phim điện ảnh được xem là một trong những phim đầu tiên của VN có tên Trận phong ba với 6 diễn viên VN, quay tại Hồng Kông năm 1937, chiếu ở rạp Casino De Sai Gon năm 1938 (sau đổi tên thành rạp Vinh Quang, hiện nay là khách sạn Liberty trên đường Pasteur, Q.1). Đến đầu tháng 7.1938, phim Cánh đồng ma mới được Công ty Nam Trung Hoa tung ra chiếu (sau Trận phong ba 1 tháng). Tuy có hơn Trận phong ba một chút, nhưng khán giả cũng như dư luận báo chí đều chê trách những yếu kém của phim", nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp cho hay.

Chớp bóng - ngành hái ra tiền - Ảnh 5.

Poster phim chiếu ở rạp Casino Sài Gòn

Nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp

Thông thường các nhà rạp mở màn bằng loạt chiếu dạo các đoạn của bộ phim chiếu tuần tới để quảng cáo, có rạp mở màn bằng buổi diễn của các ca sĩ đang lên hoặc nhóm tạp kỹ, ảo thuật. Đến giữa suất lại nghỉ giải lao để bà con ra ngoài hóng mát, uống nước, ăn cà rem, mía ghim…(vì rạp bình dân không có máy lạnh, chỉ mở quạt trần tít trên cao).

Nhà văn Ngô Kế Tựu đúc kết: "Ngành kinh doanh xi nê ở Sài Gòn trước 1975 là một ngành hái ra tiền. Nhiều người trong nghề cho biết một chủ rạp làm ăn phát đạt chừng 7 năm là đủ tiền xây rạp mới". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.