Chớp lấy cơ hội

01/09/2018 10:33 GMT+7

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn "phát cuồng" với các thông tin chổi đót, cao sao vàng, lá tía tô... của VN có mặt trên các trang thương mại điện tử nổi tiếng như Amazon, eBay với giá cao ngất.

Còn giờ thì cơ hội ngồi tại VN, bán hàng qua Mỹ, châu Âu... đã tới tận cửa khi thông tin "người khổng lồ" Amazon có cuộc làm việc chính thức với các doanh nghiệp VN vào tháng 9 tới.
Nói cho dễ hiểu thì Amazon sẽ là trung gian, kết nối người bán tại VN với người mua toàn cầu. Các dịch vụ hậu mãi như kho bãi, đóng gói, vận chuyển, chăm sóc khách hàng... Amazon sẽ đảm đương. Các cá nhân, doanh nghiệp trong nước sẽ bớt được rất nhiều chi phí, thời gian so với xuất khẩu truyền thống. Không chỉ thế, nếu lên được Amazon thì hàng hóa, thương hiệu Việt còn có cơ hội được tiếp cận với một thị trường cực lớn, thị trường toàn cầu.
Tất nhiên, cơ hội lớn thì thách thức, khó khăn cũng không nhỏ. Chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu của Amazon, mà thực ra là yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng thế giới, về chất lượng, nguồn gốc, sự an toàn... của sản phẩm; phải thông thạo tiếng Anh, phải kiên nhẫn... như những người đi trước truyền đạt kinh nghiệm.
Nhiều người than khó. Phải nói thẳng, khó là điều tất nhiên. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Chưa kể vấn đề này thực ra không phải là hoàn toàn mới mẻ. Ngay cả với xuất khẩu truyền thống, chúng ta cũng vẫn phải "nhập gia tùy tục". Bán hàng vào Nhật thì phải đáp ứng điều kiện, yêu cầu của Nhật; xuất hàng qua Mỹ thì phải đạt chuẩn Mỹ... Chẳng nói đâu xa, hiện chúng ta đang phải nỗ lực rất lớn để đáp ứng các quy định về nguồn gốc đánh bắt hải sản để được EU xóa "thẻ vàng", để tiếp tục bán hàng vào khối này. Hay các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, cũng phải có chứng chỉ rừng (FSC) để xuất hàng vào EU... từ hàng chục năm qua.
Có một tâm lý không thể phủ nhận là nhiều doanh nghiệp của ta đã quen và thích mua bán đơn giản, dễ dàng như thương mại với thị trường Trung Quốc. Thế nhưng dễ cũng có hệ quả khôn lường của dễ. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một bạn hàng nên khi thị trường này hắt hơi, sổ mũi thì ngay lập tức hàng hóa của chúng ta phải bán đổ, bán tháo; phải giải cứu. Thứ hai là ngay cả Trung Quốc cũng đã yêu cầu truy xuất nguồn gốc với một số mặt hàng, nghĩa là cũng dần không còn dễ nữa. Quan trọng hơn, thương mại điện tử đã trở thành xu hướng của thế giới nên dù muốn hay không, chúng ta cũng phải cập nhật, phải chớp lấy cơ hội này chứ không phải "khó quá thì thôi".
Không chỉ là chất lượng tốt, an toàn cho người sử dụng, nhu cầu tiêu dùng hiện nay đang hướng tới sự phát triển bền vững. Theo đó, những sản phẩm sử dụng tiết kiệm điện, nước, bao bì thân thiện môi trường hoặc hạn chế sử dụng bao bì, sử dụng nguyên liệu có thể tái chế, không thử nghiệm trên động vật... được ưa chuộng. Chúng ta có thể chưa quen nên có thể thấy lạ lẫm, cảm thấy khó.
Nhưng thế giới chuyển sang tiêu dùng xanh thì chúng ta phải sản xuất xanh, không có con đường nào khác.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.