Chợt buồn, chợt vui là bệnh

25/01/2013 11:09 GMT+7

Đó là bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, khi chẩn đoán dễ nhầm với bệnh trầm cảm. Nếu không chữa trị, người bệnh sẽ bị suy kiệt, thậm chí tự tử.

Trong gần nửa năm, anh N.H.X.A (35 tuổi, giảng viên đại học) khiến nhiều người trong nhà rất lo lắng vì luôn tỏ ra chán nản, thất vọng với mọi việc. Khó khăn lắm vợ anh mới thuyết phục chồng đi khám và được bác sĩ (BS) kết luận bị trầm cảm.

Chiếm 1%-2% dân số

Sau một thời gian cố gắng chữa trị, một ngày anh A. bỗng yêu đời trở lại, lao vào công việc với tất cả say mê. Chưa kịp mừng thì người nhà lại cảm thấy hình như anh… yêu đời hơi quá. Chẳng biết từ khi nào anh A. lại có cái tính thích xen vào chuyện người khác, rồi suốt ngày cứ bắt vợ con, bắt cả bạn bè ngồi nghe mình thao thao bất tuyệt về những phát kiến… có vẻ hơi viễn vông của mình. “Anh lại ham công việc đến bỏ ăn, bỏ ngủ khiến tôi rất lo” - vợ của bệnh nhân rầu rĩ. Đến với một bệnh viện (BV) tuyến cao hơn, anh A. được chẩn đoán bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Những tháng dài trầm cảm lúc trước và cả sự yêu đời bất thường này đều là các giai đoạn đặc trưng của bệnh.

Chợt buồn, chợt vui là bệnh
Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM

BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TPHCM, cho biết rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một dạng rối loạn cảm xúc. Trong đó, cảm xúc của một con người đáng lẽ có sự cân bằng thì lại bị chia làm nhiều giai đoạn, có giai đoạn trầm buồn, giai đoạn quá hưng phấn và có giai đoạn lại trở về bình thường. Đây là một bệnh mãn tính nhưng nếu điều trị đúng cách thì có thể ngăn ngừa tốt việc tái phát. Theo một số nghiên cứu trên thế giới thì tỉ lệ bệnh này chiếm 1%-2% dân số.

Một nghiên cứu của BV Tâm thần Hà Nội năm 2007 dựa trên các bệnh nhân nội trú tại đây và Viện Tâm thần Trung ương cho thấy có đến 40,5% bệnh nhân khởi phát bệnh trước 20 tuổi. Đây là bệnh phổ biến thứ 2 trong các rối loạn tâm thần, có xu hướng tái phát và thời kỳ thuyên giảm ngắn dần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sống của người bệnh.

Hành động mất kiểm soát

 

Có thể làm thể chất suy kiệt

Theo BS Nguyễn Ngọc Quang, trong cả hai pha hưng cảm và trầm cảm, người bị rối loại cảm xúc lưỡng cực đều có thể gặp phải rối loạn giấc ngủ và rối loạn ăn uống, thường gặp nhất là ngủ rất ít và không màng đến ăn uống. Các yếu tố này cộng với sự gia tăng hoạt động quá mức trong pha hưng cảm hay sự buồn bã, chán nản của pha trầm cảm có thể khiến thể chất người bệnh dần suy kiệt, dễ mắc các bệnh thực thể khác, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm do họ thường ít chú ý đến việc chăm sóc bản thân, phòng bệnh tật.

Theo BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, pha hưng cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường kéo dài khoảng 2-3 tuần lễ. Người bệnh sẽ tỏ ra yêu đời, phấn chấn quá mức, thường lăng xăng, tăng vận động. Cách cư xử của họ cũng đột nhiên “có vấn đề” như thích can thiệp vào chuyện của người khác; hoang tưởng tự cao và đề ra nhiều sáng kiến, ý tưởng nhưng không việc nào làm đến nơi đến chốn; làm việc hăng say và không chú ý đến ăn uống, ngủ nghỉ; mua sắm vô tội vạ; dễ dàng cho mượn tiền hay đầu tư một cách mạo hiểm; ăn mặc lòe loẹt, diêm dúa; gia tăng hoạt động tình dục…

“Pha hưng cảm khiến công việc và những mối quan hệ của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Nhiều người lại gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, thậm chí tán gia bại sản vì lỡ tiêu xài phung phí, bị lừa gạt hoặc đầu tư sai lầm. Một số còn vướng vào các vụ án do… tự dưng thích đi kiện hoặc gây hấn với người khác do không tự khống chế được hành vi và cảm xúc” - BS Quang cho biết.

Giai đoạn trầm cảm thường kéo dài hơn, có thể tới 3-6 tháng. Cảm xúc của người bệnh sẽ trái ngược hẳn với lúc hưng cảm: buồn bã, chậm chạp, mất hứng thú và thờ ơ với mọi thứ xung quanh, cảm thấy như cơ thể mất năng lượng, giảm tập trung chú ý, không thiết tha tới công việc, trí nhớ giảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống… Nặng nề nhất, pha trầm cảm có thể khiến người bệnh có ý nghĩ chán sống, dẫn đến hành vi tự hủy hoại, tự tử.

Dễ chẩn đoán nhầm

Theo BS Thắng, rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể bị chẩn đoán nhầm nếu người khám thiếu kinh nghiệm và không nắm được toàn bộ diễn tiến của bệnh. “Thông thường, người ta có thể đi khám vì bị trầm cảm nhưng trong giai đoạn hưng cảm, đang yêu đời, thấy cái gì cũng đẹp đẽ… thì bản thân bệnh nhân khó chấp nhận rằng mình đang bệnh” - ông giải thích. Chính vì vậy, một số bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm sang trầm cảm, một dạng rối loạn cảm xúc đơn cực có phác đồ điều trị hoàn toàn khác. Bên cạnh đó, có những thể bệnh mà biểu hiện của bệnh nhân không rõ ràng, chỉ hơi vui  hay hơi buồn thì cũng dễ bị chẩn đoán nhầm.

BS Quang cho rằng để ngăn ngừa sự tăng nặng của bệnh và vấn đề tái phát cơn, ngoài tuân thủ việc điều trị, gia đình nên có sự hỗ trợ người bệnh, giúp ngăn ngừa các tác động bên ngoài có thể làm tình hình xấu đi như stress, sang chấn tâm lý, môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng của bia rượu và các chất kích thích.

Theo Bài và ảnh: Anh Thư / Người Lao Động

>> Sữa chua giảm bớt trầm cảm
>> Những dấu hiệu của trầm cảm
>> Ăn cá giúp giảm trầm cảm sau sinh
>> Trầm cảm vì công nghệ
>> Ăn cà chua giúp giảm nguy cơ trầm cảm
>> Bố mẹ cãi vã, con dễ trầm cảm
>> Trẻ cũng bị trầm cảm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.