Theo CNN, kết quả này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump cố gắng thuyết phục 20 nhà lập pháp, chủ yếu là đảng Cộng hòa, rằng tiền phạt và việc bố trí một đội giám sát của Mỹ trong công ty là sự trừng phạt đầy đủ đối với ZTE. Ngoài ra, ZTE cũng phải ký quỹ 400 triệu USD trong những ngày tới. Số tiền đó nhằm tạo động cơ buộc hãng này phải tuân thủ các quy tắc thương mại trong tương lai.
Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã mâu thuẫn với nhau trong việc trừng phạt ZTE. Các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều muốn phải mạnh tay với hãng viễn thông Trung Quốc mà họ vốn coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, ông Trump lại muốn giữ cho ZTE hoạt động như một con chip mặc cả trong cuộc chiến thương mại lớn hơn với Trung Quốc.
Tuần qua, ông Trump đã gặp các nhà lập pháp tại Nhà Trắng để thảo luận về một điều khoản trong luật chính sách quốc phòng có khả năng tái áp đặt lệnh cấm ZTE mua sản phẩm và dịch vụ từ các nhà cung cấp của Mỹ. Nếu điều này xảy ra, ZTE sẽ phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến công việc của 75.000 nhân viên.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã công bố một thỏa thuận nhằm chấm dứt lệnh cấm. ZTE dựa vào chip của Mỹ để sản xuất các sản phẩm của mình, họ mua chip từ Qualcomm, Intel và các công ty khác.
Theo ông Ross, thỏa thuận sẽ áp đặt “sự tuân thủ nghiêm ngặt nhất mà chúng tôi từng có đối với bất kỳ công ty Mỹ hay công ty nước ngoài nào”. Việc thanh toán 400 triệu USD tiền ký quỹ sẽ là bước cuối cùng trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Tháng 4.2018, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho ZTE. Lệnh cấm đã khiến việc kinh doanh của ZTE bị tê liệt. Vài tuần sau đó, ông Trump để ngỏ cơ hội cứu ZTE theo đề nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bài đăng trên Twitter.
Bình luận (0)