Thông tư 24/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15.8.2023, trong đó đáng chú ý là quy định về biển số định danh - biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.
Chủ tiệm xe máy cũ ở TP.HCM sau giai đoạn "còng lưng gồng lỗ", nay tiếp tục buôn bán "cầm hơi".
"Khó khăn lắm"
Chiều 27.3, PV Thanh Niên rảo quanh chợ xe cũ trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nắng vàng oi ả chiếu thẳng lên tấm bảng "cần mua xe cũ giá cao", "xe bán" được in to nổi bật đặt trước các cửa hàng, lác đác vài người ngồi ngoài vỉa hè canh xe.
Tuyến đường này vốn có san sát các tiệm mua bán xe cũ nằm cạnh nhau, người bán, người mua một thời tấp nập. Nhưng nay, cảnh bán buôn ảm đạm, có những tiệm chỉ thấy hàng dài xe bày ra ở mặt tiền, chủ tiệm nằm ngủ hoặc ở luôn trong nhà.
Hơn 10 năm trước, anh Bảo Anh thuê mặt bằng mở tiệm mua bán xe cũ trên tuyến đường này. Thời hoàng kim của nghề, mỗi tháng anh có thể bán ít nhất là 30 xe, vì vậy anh bán hết ruộng đất ở quê, tập trung đầu tư cho cửa hàng.
"Hơn nửa năm qua tới nay, mỗi tháng tôi chỉ bán được 4 – 5 xe. Năm ngoái, tôi và người buôn bán ở đây ai cũng bù lỗ mấy trăm triệu, qua năm nay chưa thấy có chuyển biến gì nên có người trụ không nổi về quê rồi. Giờ là tôi làm ăn cầm hơi thôi, khó khăn lắm, đâm lao theo lao, một là nghỉ, không thì gồng gánh bằng cách nào đó để xoay xở", anh nói.
Theo chủ các cửa hàng nơi đây, dù buôn bán ảm đạm hơn nhưng giá thuê mặt bằng ở đường Phan Đăng Lưu gần như không giảm. Khó khăn với chủ tiệm xe đó là "bao" thủ tục thu hồi biển số, sang tên cho khách mua xe.
"Đi làm thủ tục mỗi quận có một yêu cầu khác nhau, không quận nào giống quận nào. Xe đã mua vào trước ngày 15.8 nay phải chấp nhận bán lỗ, bỏ công tân trang lại mới có người mua", vừa nói chủ tiệm vừa chỉ vào chiếc xe Vision đang sơn sửa và cho biết, xe này bán ra lỗ 4 triệu đồng. Dù vậy, cửa hàng vẫn chấp nhận bán xe để có dòng tiền xoay vòng, mua thêm xe khác theo thị trường.
Anh thở dài: "Chúng tôi đã phản ảnh nhiều về cách khai dịch vụ công, người mua xe cũ nhiều khi là lao động tay chân không rành dùng điện thoại, máy tính, trầy trật lắm khai không được, vậy là lại tốn tiền nhờ người khai giúp… nhưng không thay đổi được gì".
Xu hướng mua bán xe qua mạng
Vòng đi vòng lại 3 lần trên đường Phan Đăng Lưu, PV mới gặp chị K.L đang đi mua xe máy cũ cùng người thân. Chị K.L chia sẻ: "Khi quyết định mua xe, điều tôi quan tâm nhất là làm thủ tục sang tên chính chủ thế nào. Ra tiệm mua bán xe cũ, chủ tiệm nói bao thủ tục tôi mới yên tâm mua".
Thực tế, nhiều chủ tiệm cũng cho hay, vừa tới xem xe, người mua thắc mắc đầu tiên là "làm thủ tục sang tên được không?".
Anh Hoàng Minh (chủ một tiệm mua bán xe cũ) cho hay: "Cửa hàng phải bao sang tên thì khách mới mua. Mà sang tên mỗi nơi một kiểu, có nơi yêu cầu chính chủ lên, có nơi chỉ cần người trên giấy ủy quyền. Chính chủ bán xe, cầm tiền rồi nên họ không muốn tốn thời gian đi tới đi lui nữa. Nghe làm thủ tục sang tên xong có người đi mua xe mới trả góp luôn".
Một chủ cửa hàng khác cũng tâm sự, mua bán xe máy cũ chậm một phần là vì thời điểm sau tết - thời điểm thị trường xe chững trong năm, một phần vì các showroom bán xe mới hỗ trợ trả góp, thủ tục nhanh chóng.
Theo anh Bảo Anh, hiện đang có nhiều người chuyển sang bán xe trên mạng xã hội, khách cần tìm xe sẽ xem clip, thấy ưng bụng mới đến cửa hàng xem xe. "Bán trên mạng thấy được giá là bán, còn chúng tôi mở cửa hàng phải tốn mặt bằng, kế toán và nhiều khoản khác. Mà muốn chuyển sang bán trên mạng cũng khó, đâu phải rao là được, phải biết cách làm sao hút like, follow", anh nhận xét.
Ông chủ tiệm mua bán xe cũ Hoàng Anh cho rằng, mỗi ngày ở cửa hàng chỉ có 1 – 2 khách đến hỏi mua xe, chủ yếu là khách quen, vắng khách vãng lai. Thay vào đó, nhiều người mua xe nay chọn cách xem clip trên mạng, biết tình trạng xe, giá cả, sau đó mới đến cửa hàng chứ không đi xem dạo trực tiếp như trước đây.
Bình luận (0)