Chủ đề về nhà mùa dịch của du học sinh được đưa vào đề thi lớp 10

22/07/2020 13:13 GMT+7

Những bức ảnh và dòng cảm xúc trong cuốn sách “ Con đã trở về ” của tác giả Tăng Quang được sáng tác trong thời gian ở khu cách ly đã được đưa vào đề thi tuyển sinh lớp 10 ở Khánh Hòa.

“Nhà là nơi để về” 

Theo đó, trong phần I của đề thi ngữ văn có trích dẫn đoạn văn bản ngắn có tên “Nhà là nơi để về” như sau: “Nhà, một tiếng gọi thân thương với rất nhiều tình yêu và sự quan tâm, chia sẻ. Hai tuần cách ly giúp chúng con thấu hiểu rằng chúng ta luôn có nhiều hơn một Mái Nhà, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống".
Đoạn trích trong đề cũng nêu thêm: “Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng “Gia đình, “Tổ quốc” và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện”.

Đề thi tuyển sinh môn ngữ văn lớp 10 tỉnh Khánh Hòa

Sau đó, phần yêu cầu thí sinh thực hiện gồm 4 câu. Câu 1 chỉ ra thành phần phụ chú trong câu văn sau: “Hai tuần cách ly con thấu hiểu rằng chúng ta luôn có nhiều hơn một Mái Nhà, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống.
Câu 2, theo văn bản, sau những biến cố cuộc sống, tác giả hướng tình cảm đến những đối tượng nào? Còn câu 3 hỏi thí sinh: “Theo em việc viết hoa từ “Mái Nhà” trong văn bản trên có ý nghĩa gì?
Cuối cùng là câu 4 có nội dung: “Hai tuần cách ly gợi nhắc đến những ngày cả nước phòng chống đại dịch Coivd19. Trong biến cố ấy, việc tốt nào của người Việt Nam để lại ấn tượng nhất trong em? Vì sao?”
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Nguyễn Tăng Quang, du học sinh ở Anh, cho biết đoạn trích trong đề thi tuyển sinh lớp 10 ở tỉnh Khánh Hòa do chính mình là tác giả. Đoạn trính đó nằm trong phần cuối của loạt tranh ký họa được chính tay Quang vẽ ra. Nó thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của Tăng Quang sau khi hoàn thành 2 tuần cách ly.
Quang cho biết hiện học thạc sĩ ngành Design Management ở London (Anh). Vào giữa tháng 3 khi tình hình dịch trở nên căng thẳng ở châu Âu, trường học và công sở đóng cửa, Quang quyết định trở về nước. Sau 2 tuần cách ly với bộ tranh ký hoạ cuộc sống và công việc của mọi người ở trung tâm, Quang nhận được lời mời xuất bản cuốn sách trên. Song song đó, Quang vẫn đảm bảo việc học online với trường ở Anh, và tham gia vào một vài dự án thiết kế, sáng tạo cùng với các tổ chức khác ở Việt Nam.

"Mái Nhà" không chỉ gói gọn ở nơi mình sống

“Khoảng thời gian đó mình cảm nhận được sự nồng ấm, chăm sóc nhiệt tình của mọi người, và mình thấy mình được yêu thương như thành viên trong gia đình. Vì vậy, mình viết những dòng đó để thay lời cảm ơn, và cũng để ghi lại một sự trưởng thành trong nhận thức” Quang cho biết.

Tăng Quang (bên phải) cùng quyển sách có đoạn được đưa vào đề thi

Lê Nam

Là một người trẻ, Quang thường dành phần lớn thời gian quan tâm đến việc khám khá những trải nghiệm bên ngoài. Quang tìm hiểu những địa điểm, khung cảnh mới. Đôi khi quên mất những điều bình dị đẹp đẽ ở bên cạnh, không cảm nhận được hết những may mắn mà Quang đang có.
“Với những biến cố như đại dịch vừa rồi, mình hiểu rõ hơn những giá trị thật sự quan trọng với bản thân. Mình thấu hiểu rằng, 'Mái Nhà' không chỉ gói gọn ở nơi mình sinh sống hằng ngày, mà là ở bất kỳ đâu có tình yêu và sự quan tâm chân thành. Cuốn sách được đặt lên 'Con đã về Nhà', cũng xuất phát từ lẽ đó”, Quang giải thích một phần trích đoạn trong đề thi.
Khi nhận được thông tin về một trích đoạn trong sách “Con đã về nhà” được đưa vào đề thi văn lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa, Quang cảm thấy rất bất ngờ. Đó là điều Quang chưa từng nghĩ đến.
Quang cho rằng rất vui vì tác phẩm có sức sống, sức lan truyền trong cộng đồng, nhưng cũng bối rối vì những gì mình viết trên góc nhìn cá nhân có thể tác động không nhỏ đến các bạn học sinh. Từng là người trải qua các kỳ thi như vậy, Quang thật sự hiểu cảm giác áp lực của các bạn học sinh.
“Khoảng gần một tháng trước, khi trường Hà Nội Amsterdam có sử dụng cuốn sách trong đề thi thử môn văn, mình đã rất ngạc nhiên, nhưng chỉ nghĩ rằng đề thi thử muốn thử thách các bạn học sinh với một tác phẩm rất mới và ít người biết”, Quang nói.
“Thực tế thì mình không phải là nhà văn, nên ngôn ngữ của mình cũng đơn giản, đi vào trọng tâm, và không đánh đố, chủ yếu nhằm khái quát được cảm xúc là chính. Mình nghĩ đề thi này sáng tạo, tạo ra nhiều không gian để các bạn đưa cái tôi cá nhân vào bài viết. Việc đưa Covid-19 vào đề thi cũng cho thấy một xu hướng ngày càng rõ hơn khi gắn kết tính thực tiễn, xã hội vào giáo dục”, Quang chia sẻ cảm nghĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.