Chủ động chống ngập

30/09/2016 05:59 GMT+7

Sau trận mưa lịch sử ngày 26.9 vừa qua, người dân TP.HCM vẫn nơm nớp khi mỗi buổi chiều, trời lại xám xịt, sũng nước. Thế nên mọi giải pháp chống ngập đang là chủ đề được quan tâm nhất hiện nay.

Do vậy đề xuất đặt bơm ly tâm chống ngập của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Ninh Bình) đưa ra đã được các cơ quan có thẩm quyền nhất trí đề xuất lên lãnh đạo TP cho thí điểm.
Chưa bàn tới vấn đề hiệu quả nhưng việc này lại khiến cho người ta cảm thấy, TP vẫn chưa thực sự chủ động trong việc tìm giải pháp chống ngập.
Chúng ta đều biết, ngập đã trở thành vấn nạn của TP.HCM nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới phát sinh. Nguyên nhân ngập cũng được mổ xẻ, được thảo luận rất nhiều lần, với đầy đủ các ban bệ, các chuyên gia trong và ngoài nước. Vì vậy, dù là giải pháp lâu dài hay nhất thời, giải pháp áp dụng trên diện rộng hay cục bộ lẽ ra đều phải được các đơn vị có thẩm quyền trong việc chống ngập đề xuất, thử nghiệm, thí điểm chứ không phải mỗi lần xảy ra "ngập kỷ lục" lại có một đơn vị nào đó đề xuất giải pháp này, giải pháp kia. Rồi lại trình ký, thí điểm...
Đặt trường hợp giải pháp này hiệu quả, có thể giải quyết được vấn đề ngập lụt của TP. Vậy thì bao năm qua các cơ quan có trách nhiệm trong việc chống ngập tại sao không đề cập tới? Họ không biết hay vì lý do gì mà không triển khai áp dụng? Để cứ "đến hẹn lại lên", một năm không biết bao lần người dân TP khốn khổ vì ngập lụt; thiệt hại về người và của là không thể kể hết.
Thực tế, vấn đề ngập ở TP đến thời điểm này có thể nói là căn bệnh kinh niên. Chẳng cần mưa lớn, mưa kỷ lục mà ngay cả mưa nhỏ, mưa ngắn cũng có thể biến nhiều con đường ở TP thành sông. Thậm chí ngay cả những đường mới, ngay cả những nơi vừa được đầu tư dự án cải tạo hệ thống thoát nước cũng vẫn ngập. Từ ngập trong trung tâm đã ngập ra tận sân bay, nơi luôn được đặt ở vị trí cao nhất, có hệ thống thoát nước đảm bảo nhất. Gần chục năm qua, TP đã tốn không biết bao nhiêu tiền của để chống ngập nhưng vẫn không hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là hệ thống thoát nước đã trở nên quá tải với tình trạng dồn nén quá nhiều cao ốc, chung cư cao tầng ở khắp nơi. Cống nhỏ không thể thoát kịp nước nhiều (khi hệ số dân cư tăng theo cấp số nhân) chứ chưa nói đến nước lớn khi trời mưa to. Dưới lòng đất đầy bê tông, cốt thép để làm móng công trình, còn đất đâu để mà thấm nước nhanh? Nếu nhìn căn cơ các nguyên nhân thì việc nâng đường, bơm nước, nhặt rác... làm sao có thể giải quyết triệt để được vấn đề? Nếu cứ nay một giải pháp, mai một giải pháp mang tính chắp vá thì chỉ tốn tiền của, công sức mà lại thiếu hiệu quả. Lại vẫn lặp lại tình trạng xóa được điểm này thì phát sinh điểm ngập khác.
Chống ngập không hề đơn giản với bất cứ TP nào và những giải pháp, đề xuất, ý kiến đóng góp từ tất cả các doanh nghiệp, người dân là hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Tuy nhiên, TP.HCM có đầy đủ nhân lực, nguồn lực để chủ động "chẩn" đúng bệnh, bốc đúng thuốc chữa căn bệnh ngập ngày càng trầm kha kéo dài nhiều năm nay. Còn cứ lâu lâu lại có thông tin thí điểm một giải pháp theo đề xuất của một doanh nghiệp sẽ khiến cho người dân cảm thấy TP chưa thực sự chủ động giải quyết một vấn đề ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, cuộc sống của họ như ngập nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.