Chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đón tết an toàn

25/01/2024 04:23 GMT+7

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 diễn ra sáng 24.1, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các cơ quan có liên quan cần chủ động phòng, chống để đảm bảo người dân đón tết an toàn.

Tại hội nghị, TS Hoàng Minh Đức, Phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường, chưa ổn định, trong bối cảnh giao thương, du lịch tăng cao; gia tăng nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các bệnh nguy hiểm mới nổi. Các tác nhân gây bệnh, chủng vi rút cúm liên tục biến đổi, tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch.

Ngành y tế đang theo dõi sát diễn biến dịch bệnh dịp tết Ảnh: Duy Tính

Ngành y tế đang theo dõi sát diễn biến dịch bệnh dịp tết

Duy Tính

Một trong những diễn biến dịch được đại diện Cục Y tế dự phòng lưu ý là các biến thể của SARS-CoV-2. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2023 đến nay, công tác giám sát ghi nhận các biến thể của vi rút SARS-CoV-2, trong đó có những biến thể cần theo dõi như XBB.1.5, XBB.1.16, EG.5, BA.2.86. Theo thông tin từ cuộc họp gần đây nhất với các chuyên gia của WHO, hiện biến thể phụ Omicron JN.1, có "né tránh miễn dịch", được đánh giá là "biến thể cần theo dõi". WHO đã phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 theo 4 nhóm: biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

"Cần quan tâm với biến thể JN.1 vừa ghi nhận tại TP.HCM. Đặc biệt, người thuộc nhóm nguy cơ cao như có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, không nên chủ quan với Covid-19", TS Hoàng Minh Đức lưu ý.

Xem nhanh 12h: TP.HCM phát hiện ca nhiễm Covid-19 biến thể JN.1, Bộ Y tế lưu ý gì?

BỆNH MỚI NỔI LÂY LAN

Theo Cục Y tế dự phòng, từ khi ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại VN, đến hết năm 2023, cả nước ghi nhận 137 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (có 2 ca ghi nhận trong năm 2022), 6 ca tử vong liên quan. Các trường hợp mắc và tử vong đều ghi nhận tại khu vực phía nam, chủ yếu ở TP.HCM. Các ca mắc chủ yếu là nam (98,5%), tuổi trung bình 31; 70% ca mắc là tình dục đồng giới nam; 55% có bệnh nhiễm HIV.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ hiện có 54/114 (47,4%) bệnh nhân (BN) đậu mùa khỉ khai thác được hành vi nguy cơ. Tuy nhiên, hầu hết BN không cung cấp thông tin bạn tình.

Liên quan đến bệnh truyền nhiễm có vắc xin, Bộ Y tế cũng cho biết một số bệnh ghi nhận tăng trong năm 2023. Trong đó, 401 ca bệnh sởi và phát ban do sởi (tăng 9,6% so với năm 2022). Với bệnh dại, năm qua, số ca tử vong tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (82 trường hợp tử vong). Các địa phương ghi nhận số tử vong cao là: Gia Lai (14 ca), Nghệ An (7 ca), Bình Phước (7 ca), Điện Biên (6 ca) và Bến Tre (5 ca).

Ngoài ra, cả nước ghi nhận 57 ca mắc bệnh bạch hầu (trong đó 7 ca tử vong), tại một số địa phương miền núi phía bắc như Hà Giang (49 ca), Điện Biên (6 ca) và Thái Nguyên (2 ca).

Nhận định "tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, là nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị y tế các địa phương phối hợp các ngành liên quan thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, trường hợp viêm phổi nặng do vi rút. Đồng thời khẩn trương, triển khai tiêm chủng cho các trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

KHUYẾN CÁO TIÊM NHẮC LẠI VẮC XIN COVID-19

Tại hội nghị, ông Hoàng Minh Đức đặc biệt lưu ý sau cuộc họp với WHO hôm 22.1 và qua trao đổi với Hội đồng tư vấn về vắc xin và tiêm chủng (Bộ Y tế), có 2 nhóm cần tiêm nhắc lại vắc xin ngừa Covid-19 là người từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền; phụ nữ mang thai. Thời gian tiêm nhắc lại khuyến cáo là từ 9 - 12 tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Người chưa tiêm lần nào cần tiêm vắc xin Covid-19. Hiện các tỉnh thành đã tổng hợp trên 100.000 người có nhu cầu tiêm vắc xin này để tiến hành tiêm chủng những ngày tới. Hiện VN còn hơn 400.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 Pfizer còn hạn sử dụng đến tháng 9.2024.

Hiện WHO vẫn đang tăng cường giám sát dịch tễ học và vi rút, để đánh giá các biến thể mới nổi có khác biệt về mặt kháng nguyên và có thể thay thế các biến thể đang lưu hành hay không. WHO tiếp tục khuyến khích phát triển hơn nữa các loại vắc xin có thể cải thiện khả năng bảo vệ chống nhiễm trùng và giảm lây truyền SARS-CoV-2.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan lưu ý tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia trong khu vực đã ghi nhận gia tăng số ca mắc, nhập viện do Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong nước, các bệnh đường hô hấp, cúm mùa cũng phát sinh nhiều trong thời điểm cuối năm. Theo Bộ trưởng, chúng ta không lo lắng nhưng phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm đón tết an toàn, cũng như công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 chủ động, hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.