Lách luật, lợi ích nhóm
Một trong những vấn đề được đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh tại kỳ họp Quốc hội vừa qua là mỏ khoáng sản được cấp phép không thông qua đấu giá nhưng nhiều năm nay chưa đưa vào khai thác. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận tại hội thảo góp ý dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản 2024, do Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội chiều 14.6 vừa qua.
Chia sẻ với Thanh Niên, các chuyên gia dẫn chứng đối với các mỏ khoáng sản bauxite tại Tây Nguyên và bày tỏ lo ngại nếu không được đấu giá sẽ có nguy cơ lợi ích nhóm, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, theo điều 78, luật Khoáng sản 2010 quy định việc không đấu giá tại các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ TN-MT khoanh định khu vực không đấu giá theo tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá, được quy định tại điều 12 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP và Nghị định 158/2016/NĐ-CP. Căn cứ vào luật Khoáng sản 2010 và các tiêu chí trong 2 nghị định nói trên, Chính phủ có quyết định 203/QĐ-TTg ngày 17.1.2014 quy định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nhưng nếu tiêu chí xác định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ tập trung vào khu vực được thăm dò trong khoảng thời gian nào đó mà thiếu tiêu chí về đối tượng là chưa quan tâm đến lợi ích của Nhà nước.
Cụ thể, đối với các dự án bauxite Tây Nguyên cần dừng 10 năm để chờ thí điểm 2 dự án đang hoạt động, điều này dẫn đến tổng chi phí thực bỏ ra cho công tác thăm dò nếu tính đủ cả chi phí cơ hội là rất lớn. Trong khi đó, Nhà nước chi ngân sách thăm dò nếu phải chịu rủi ro này cho các đơn vị khác xin khai thác theo cơ chế xin - cho là quá bất hợp lý, có thể dẫn đến các tình huống lách luật, lợi ích nhóm.
Khi các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước do đã thăm dò trước thời điểm 17.1.2014, các mỏ này được đưa vào khu vực không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng họ không trực tiếp triển khai dự án khai thác mà tham gia liên doanh liên kết với đơn vị khác (là các công ty tư nhân, công ty nước ngoài...).
Trong tình huống này, các đơn vị không tham gia thăm dò đã lách được việc đấu giá quyền khai thác mỏ thông qua hình thức liên doanh, liên kết với các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước. Bởi các mỏ này không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nhưng khi liên doanh, do chưa có quy định về việc định giá quyền khai thác để góp vốn dẫn đến các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước khi xác định giá trị góp vốn bằng quyền này thấp hoặc thậm chí không xác định giá trị thì đơn vị khác vào liên kết được hưởng lợi, Nhà nước bị thiệt hại.
Nếu các đơn vị không thực hiện thăm dò xin khai thác các mỏ thuộc khu vực không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước thăm dò trước đó, thì ngân sách Nhà nước sẽ bị thất thu.
Hiện tại khoáng sản bauxite tại Đắk Nông, Lâm Đồng đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn xin đầu tư các dự án tổ hợp bauxite - alumin, vốn đã được thăm dò bởi Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Các mỏ đã thăm dò TKV và Vinachem hiện đều thuộc khu vực không đấu giá.
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, các mỏ mà các đơn vị đã thăm dò và được phê duyệt trữ lượng nhưng không khai thác, khi Nhà nước cấp giấy phép khai thác cho đơn vị khác thì cần lựa chọn đơn vị khai thác thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác để tối đa hóa lợi ích Nhà nước.
"Tôi cũng thấy đấu giá là hợp lý"
Chia sẻ với Thanh Niên, luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng văn phòng luật sư AIC (Hà Nội), cho rằng sau hơn 10 năm triển khai luật Khoáng sản 2010, một số doanh nghiệp sau khi thực hiện thăm dò và đã được cấp phép khai thác khoáng sản các khu mỏ nhưng lại trì trệ, không khai thác dẫn tới lãng phí tài nguyên của quốc gia.
Luật sư Lê Thanh Sơn đồng tình với ý kiến trả lời chất vấn tại Quốc hội của Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh vừa qua, rằng doanh nghiệp đã thăm dò thì được ưu tiên cấp phép khai thác, nếu doanh nghiệp không làm nữa thì báo cáo để thu hồi.
Tuy nhiên, luật sư Sơn cho rằng, bên cạnh trông chờ báo cáo từ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước quản lý về hoạt động khoáng sản cần chủ động rà soát, xác định những mỏ không được khai thác để thực hiện thu hồi.
"Đối với mỏ đã được cấp phép khai thác, nhưng do doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính, công nghệ kỹ thuật… mà hàng chục năm không khai thác thì Nhà nước phải thu hồi. Các mỏ sau thu hồi phải tổ chức đấu giá để tránh lãng phí tài nguyên, thất thu cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường", luật sư Sơn nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: "Chúng tôi khuyến nghị phải tổ chức đấu giá và có điều kiện ưu tiên cho các đơn vị đầu tư kinh phí điều tra, thăm dò khoáng sản để đảm bảo nguyên tắc đấu giá phải là chủ đạo chứ không ưu tiên cấp phép không qua đấu giá", ông Đức nói.
Trước đó, trong phiên chất vấn ngày 4.6, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh: "Một số doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ một số khu vực đã hoàn thành việc thăm dò có đủ điều kiện đấu giá nhưng chưa thể đưa vào khai thác. Vậy chúng ta có thể thực hiện việc đấu giá các mỏ này để huy động nguồn lực xã hội vào khai thác, góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên khoáng sản trong phát triển đất nước không?".
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hữu Hậu, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết: "Chúng ta đã quy định các doanh nghiệp đã thăm dò thì chắc chắn là được ưu tiên thực hiện việc liên quan đến cấp phép để khai thác. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp thăm dò nhưng không làm nữa thì cũng phải báo cáo để Nhà nước thu hồi khu vực đó và tôi cũng thấy rằng đấu giá là hợp lý".
Bình luận (0)