Là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên những năm qua, Bến Tre được ưu tiên triển khai nhiều chương trình ứng phó và đã đạt được kết quả khả quan.
|
Biến đổi khí hậu đến sớm
Theo ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn và ảnh hưởng của BĐKH đã đến sớm hơn so với dự tính của các ngành chức năng. Cụ thể, năm 2013, xâm nhập mặn đến sớm hơn khoảng 2 tháng so với năm 2012 và khoảng 1,5 tháng so với trung bình nhiều năm, làm cho nông dân và chính quyền các cấp trở tay không kịp. Độ mặn 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng 50 km, độ mặn 1‰ gần như bao phủ toàn bộ 3 dải cù lao của Bến Tre.
|
Toàn tỉnh có hơn 6.500 ha lúa bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, chiếm gần 1/3 tổng diện tích gieo trồng, trong đó có gần 700 ha mất trắng; gần 4.000 ha cây ăn trái, rau màu cũng bị ảnh hưởng bởi nước mặn. Tỉnh hiện có hơn 250.000 nhân khẩu thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là tại 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Tại đây, người dân phải mua nước ngọt với giá khoảng 40.000 đồng/m3 và chỉ dám sử dụng nước để uống, nấu ăn. Còn sinh hoạt chủ yếu vẫn sử dụng nước từ giếng khoan hoặc kênh rạch, vốn bị nhiễm mặn và không đảm bảo vệ sinh. Tại TP.Bến Tre, cách biển hơn 50 km, hệ thống nước máy cũng bị nhiễm mặn, buộc Công ty Cấp thoát nước Bến Tre phải lắp đặt, vận hành hệ thống dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Ba Lai (xã Quới Thành, H.Châu Thành) về Nhà máy nước Sơn Đông (TP.Bến Tre).
Năm nay, tình hình xâm nhập mặn và diễn biến bất thường của thời tiết tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, làm hàng trăm héc ta tôm sú, thẻ chân trắng bị thiệt hại; đê bao vườn cây ăn trái nhiều nơi bị sạt lở do triều cường dâng cao...
Chủ động ứng phó
Ông Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, đồng thời xây dựng, công bố kịch bản chi tiết về tình trạng xâm nhập mặn, và những ảnh hưởng của BĐKH đối với kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, Bến Tre còn được Chính phủ Đan Mạch tài trợ ứng phó với BĐKH giai đoạn 2010 - 2015 với số vốn khoảng 140 tỉ đồng. Đây là một phần trong chương trình thí điểm ứng phó BĐKH được xây dựng cho các tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Ngoài tài trợ về vốn, phía Đan Mạch còn chia sẻ kinh nghiệm, các vấn đề kỹ thuật và xây dựng chính sách cho Bến Tre. Nhờ đó, tỉnh đã xây dựng được nhiều công trình ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng; một số mô hình canh tác thích nghi với BĐKH; phát triển rừng ngập mặn; nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ các cấp và nhân dân về ảnh hưởng, nguy cơ của BĐKH, cũng như khả năng thích ứng.
Ông Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH, đánh giá cao một số mô hình, chương trình mà Bến Tre đã thực hiện, như: xây dựng đê bao phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng kết hợp làm đường giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thí điểm lọc nước mặn thành nước ngọt, các mô hình canh tác thích ứng BĐKH như tôm - lúa; phát triển một số giống lúa chịu mặn… Theo ông Trí, các mô hình này có ý nghĩa quan trọng trong ứng phó BĐKH cũng như tạo điều kiện để nâng cao, cải thiện đời sống người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.
Bà Trần Hồng Việt, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch, cho biết giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên hàng đầu của chương trình là phát triển rừng ngập mặn và xây dựng các mô hình sinh kế dưới tán rừng, đồng thời tập trung xây dựng một số công trình giúp ngăn mặn, điều ngọt, tạo điều kiện để nông dân phát triển kinh tế.
Khoa Chiến - Giao Hòa
>> Biến đổi khí hậu làm ĐBSCL mất 2 triệu ha đất trồng lúa
>> Cuộc thi vẽ tự do về biến đổi khí hậu
>> Ứng phó với biến đổi khí hậu
Bình luận (0)