Đến nay, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) có 11 loại vắc xin (phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) với cả chục triệu mũi tiêm/năm, góp phần quan trọng phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em. Hằng năm, trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT) T.Ư đặt hàng và ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vắc xin để cung ứng vắc xin phục vụ cho TCMR. Việc cung ứng vắc xin được thực hiện theo các quy định của pháp luật về giá và đặt hàng.
Từ khoảng giữa năm 2022, các địa phương bắt đầu thiếu vắc xin TCMR. Cuối năm 2022 và đầu năm nay, tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng hơn, trong đó có vắc xin phòng các bệnh nặng, dễ gây dịch ở trẻ nhỏ như: DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván); "5 trong 1" (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não và viêm phổi). Đến nay, thiếu vắc xin TCMR vẫn đang là thực tế tại các địa phương. Thiếu hụt vắc xin, trước hết thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Là cơ quan nắm được các thủ tục mua sắm, giá cả, nguồn cung và đặc biệt, biết rõ nhất các nguy cơ nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, nhưng đến tháng 9.2022, Bộ Y tế vẫn chỉ thông tin, "Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc Viện VSDT T.Ư và các đơn vị sản xuất vắc xin khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đặt hàng để có vắc xin cung ứng cho tiêm chủng".
Đến tháng 6 này, các thủ tục được Bộ Y tế "khẩn trương" hoàn thiện để đặt hàng vẫn chưa xong, vắc xin TCMR vẫn thiếu hụt. Các gia đình có trẻ nhỏ đều thấy một thực tế hiện nay: vắc xin dịch vụ loại nào cũng có, vắc xin TCMR thì thiếu trước, hụt sau và vẫn chờ đợi nguồn cung. Thiếu hụt vắc xin không chỉ ảnh hưởng niềm tin của các gia đình với chương trình TCMR, mà lo ngại hơn nữa là nguy cơ bùng dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ do không được tiêm chủng đầy đủ, như thực tế đã có đợt dịch sởi năm 2014.
Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, để tiêm bù cho trẻ bị trống lịch, 260.000 liều vắc xin "5 trong 1" từ nguồn viện trợ sẽ về VN trong 1 - 2 tuần tới. Vắc xin này ưu tiên cung ứng cho các vùng khó khăn. Bộ Y tế cũng đã xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đề nghị bố trí kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua vắc xin và chờ được Quốc hội, Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên, ngay cả khi được chấp thuận, có thể cần đến 3 tháng mới hoàn thành các thủ tục mua, đặt hàng tập trung để có vắc xin về địa phương.
Vắc xin không thiếu nguồn cung, nhưng nguyên nhân thiếu hụt do "thủ tục, quy trình" được đưa ra khiến cộng đồng khó chấp nhận. Với hàng chục năm kinh nghiệm, Bộ Y tế đáng ra cần chủ động cùng các bộ liên quan sớm tháo gỡ khó khăn để đảm bảo nguồn cung vắc xin ổn định cho TCMR, cũng là bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ, ngăn dịch bệnh nguy hiểm bùng phát. Đây là thực trạng không nên để lặp lại trong tương lai.
Bình luận (0)