Lực lượng chức năng bắt giữ một xe tải nặng chở hơn 1.000 con cá sấu tại Móng Cái, Quảng Ninh từ tháng trước. Từ đó đến nay, mỗi tuần đàn cá ngốn 16 triệu đồng tiền thức ăn nhưng chủ hàng vẫn biệt tăm.
Số cá sấu còn sống bị thu giữ, gửi cơ sở nuôi của doanh nghiệp - Ảnh: Hà Nguyễn
|
Cuối tháng 7.2015, các lực lượng phối hợp của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 T.Ư) bắt giữ lô hàng hơn 1.000 con cá sấu và đưa vào khu vực tạm nhốt tại xã Thọ Xuân, H.Đan Phượng, Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Toản, người trông trại cá sấu này, tính đến ngày 21.8, đã có trên 200 con chết. “Cá sấu chết thì chúng tôi lấy da, sau đó chôn ngay trong vườn”, ông Toản nói.
Trước đó, ngày 21.8, PV đã gặp ông Lê Văn Thành (trú xã Phú Hòa, Định Quán, Đồng Nai), chủ chiếc xe tải chở số cá sấu trên. Ông Thành kể: “Tôi chỉ biết qua cò, gặp một người tên Toàn thuê tôi chở cá sấu từ Bạc Liêu ra Móng Cái sẽ có người dẫn đến địa điểm giao hàng và nhận tiền công vận chuyển, chứ tôi cũng không biết ông Toàn là ai và cũng không biết chủ hàng”. “Tôi cũng không biết tại sao lại bắt giữ tôi và xe của tôi cả tháng trời ở đây, khiến tôi không có phương tiện để làm ăn. Khi tôi chở hàng, có giấy xác nhận của kiểm lâm là cá sấu nuôi và có cả giấy tờ trung chuyển đặc biệt do Hạt Kiểm lâm ở Bạc Liêu cấp”, ông Thành cho biết.
Ông Thành cũng cho biết kể từ khi bị bắt, đưa về sân sau của Tổng cục Hải quan (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), người thuê chở hàng tên là Toàn chỉ gọi lại cho ông vài lần, bằng sim rác, để hỏi thăm. “Tôi chỉ là người chở hàng thuê, xe của tôi vẫn đang phải trả lãi vay của ngân hàng, các cơ quan cứ giữ mãi không trả, tôi không có phương tiện sinh nhai”, ông Thành khóc và nói thêm: “Ở Tổng cục Hải quan, tôi không có chỗ ngủ, phải mắc võng nằm ngoài trời, không được bảo vệ cho vào trong tắm, lại hết sạch cả tiền... nên tôi phải về quê để tìm cách sinh sống tạm, chờ ngày lấy xe”.
Trả lời PV Thanh Niên ngày 25.8, ông Phan Đình Quân, cán bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 T.Ư, thừa nhận lô hàng cá sấu bị bắt giữ không phải là động vật hoang dã. “Việc vận chuyển lô hàng này cũng có những dấu hiệu không đúng quy định như tuy có giấy phép vận chuyển nhưng không có mã số cho từng con và có dấu hiệu vận chuyển trái phép qua biên giới khi chuẩn bị xuất hàng sang Trung Quốc nhưng không có giám sát của hải quan và biên phòng”, ông Quân nói. Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ việc, chủ hàng chưa lần nào xuất hiện để làm việc với cơ quan chức năng.
“Người chủ hàng này không có trách nhiệm với lô hàng của anh ta mặc dù đây là lô hàng có giá trị lớn, khoảng 2 tỉ đồng. Hiện chúng tôi phải gửi tại một doanh nghiệp nuôi, mỗi tuần tốn tới trên 2 tạ cá mè để nuôi với chi phí khoảng 16 triệu đồng. Nếu chủ hàng không xuất hiện để giải quyết, chúng tôi sẽ phải làm thủ tục thanh lý số hàng này theo quy định”, ông Quân nói.
Bắt nhầm ?
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, xác nhận hơn 1.000 con cá sấu do lái xe Lê Văn Thành vận chuyển đi Móng Cái là cá sấu nuôi và được cấp giấy vận chuyển. “Tại Bạc Liêu, người dân nuôi cá sấu như nuôi heo, chúng tôi đã cấp giấy tờ xác nhận đầy đủ để kinh doanh, vận chuyển số cá sấu này nên ai đó bắt giữ, làm sai cho người dân thì ráng chịu”, ông Phúc nói.
|
Bình luận (0)