Chủ kênh podcast sống chậm: 'Người ta nghe tôi nói lúc cô đơn nhất'

12/11/2022 08:47 GMT+7

Chủ kênh podcast Chầm chậm mà sống, chị Nam Phương (hiện là HLV dinh dưỡng tổng hợp) cho biết thời điểm người nghe chị nói chủ yếu vào lúc nửa đêm cho đến sáng, khi mà họ cô đơn nhất, mất ngủ nhất và khủng hoảng tinh thần nhất.

Ngày càng nhiều người nghe podcast để cập nhật tin tức, tìm kiếm thông tin và lắng nghe những lời khuyên. Chị Nam Phương, một HLV dinh dưỡng tổng hợp, chủ kênh podcast Chầm chậm mà sống trên nhiều nền tảng audio hiện nay thường xuyên chia sẻ về việc thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sống sao cho lành mạnh, biết cách yêu thương bản thân.

Thông qua trang mạng xã hội, chị nhận được hàng trăm câu hỏi mỗi ngày để tìm hiểu về lối sống cân bằng và xử lý khủng hoảng trong cuộc sống. Không thể giải quyết từng trường lớp riêng rẽ, chị quyết định lập kênh podcast để hỗ trợ cho nhiều người hơn.

Chủ kênh Chầm chậm mà sống chia sẻ cách làm chương trình podcast thu hút người nghe hiện nay

nvcc

Chất giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ bên tai như an ủi, vỗ về người kế bên của chị Nam Phương rất phù hợp với dạng nội dung chữa lành cảm xúc. Để duy trì một lượng thông tin đều đặn đăng tải trên các nền tảng âm thanh trực tuyến, chủ kênh Chầm chậm mà sống có quy trình sản xuất đơn giản, tinh gọn và đủ hiệu quả.

Theo chị Nam Phương, một podcast hấp dẫn người nghe phải đi ra từ chính đời sống và trải nghiệm của bản thân. Ví dụ như bạn có thể cho người nghe 1.000 lời khuyên sức khỏe nhưng điều đó chỉ thực sự hữu ích khi mình mô tả về thực hành của chính bản thân mình đã trải qua thế nào. Sự tương tác, phản hồi của người nghe rất quan trọng để chủ kênh điều chỉnh vào các tập sau. Cuối cùng, chất giọng là yếu tố hàng đầu, giúp người nghe không thể rời đi khỏi kênh của bạn.

Chủ kênh Chầm chậm mà sống còn phân phối các sản phẩm của mình trên kênh YouTube cá nhân vì đây là nền tảng phổ biến. Bản thân chị Nam Phương không đặt mục tiêu kiếm tiền từ việc làm nội dung podcast nhưng việc kiếm tiền không phải không thể đối với cộng đồng podcaster tại Việt Nam.

"Dĩ nhiên podcaster có thể kiếm tiền thông qua các cách thức kết nối những nhà tài trợ sản phẩm, hay cách thức ở nước phát triển nó đã đang bắt đầu được triển khai như thu âm những đoạn quảng cáo rồi ghép vào trong đó, kiếm tiền trực tiếp dựa trên lượng play, lượng chơi từ podcast đó. Đây là hướng rất tiềm năng, chúng ta xác định kiếm tiền chủ yếu từ podcast thì mình nghĩ có thể đầu tư dần dần", chị Nam Phương chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.