Chú mèo Mướp và mùa xuân đến sớm

22/01/2023 07:00 GMT+7

Mùa xuân Quý Mão đến sớm hơn, là năm thứ 7 chú mèo Mướp hiện diện cùng gia đình tôi.

Như một định mệnh, kể từ buổi sáng tháng chạp năm Bính Thân (2016), Mướp nhỏ bé tình cờ kêu lên mấy tiếng trước hiên nhà, rồi sau đó thiếu đủ vui buồn cùng trải…

1. Mùa đông phương Nam, chỉ hơi se lạnh. Nhưng với bộ lông mỏng manh và ánh mắt van lơn hôm ấy của Mướp, khiến mấy đứa con tôi xúc động. Chúng đưa vào nhà và sau đó là một buổi sớm xôn xao. Nào là lấy sữa, dọn chỗ nằm và ríu rít… tranh cãi chuyện đặt tên. Rồi Mướp có tên từ đó, đúng y như bộ lông trắng đen xám chen nhau còn lưa thưa, mà hồi ở quê nhà miền Trung, người ta thường gọi giống này là tam thể.

Những ngày vắng chị chủ nhỏ, Mướp ra cổng đứng ngóng đợi

Sau đó tìm hiểu mới biết, Mướp là con mới sinh của một mẹ sống hoang lạc loài đâu đó, trong khu vườn sát cạnh nhà tôi ở ngoại ô thành phố. Sài Gòn mênh mông lô nhô nhà cửa, tự dưng mẹ Mướp “gắp” con mình đi, rồi bỏ trước thềm. Cũng là một bản năng rất mực ngẫu nhiên, nên tôi đồng ý cho sắp nhỏ trong nhà bú mớm, chăm bẵm. Ai biết mai sau rồi ra thế nào, chỉ biết người và vật bén nhau, chắc rồi nó cũng trưởng thành. Nghĩ thế!

Cũng có gợn lên chút liên tưởng nho nhỏ. Biết đâu Mướp là kiếp luân hồi của chú mèo lai Thái mà cách đó khoảng chừng 5, 6 tháng, thằng con trai thứ hai mua đâu về nuôi, một hôm tự dưng đau bụng quằn quại rồi ra đi. Buổi sáng, anh Ba (trong nhà hay gọi như vậy) thức dậy, thấy chú mèo lai nằm chết, khóc còn hơn… thi rớt kỳ thi rất quan trọng. Anh Ba lục kiếm một cái hộp gỗ nhỏ và mảnh vải trắng, rồi cuộn ủ chú mèo lai, lấy dây buộc hai đầu, cột sau xe chạy đi. Đến chiều, trở về nhà mặt vẫn rười rượi buồn. Hỏi: “Con đi đâu về đó?”, nó lắc đầu lên phòng nằm. Đến bữa cơm tối, gặng hỏi mãi mới kể: “Con đưa cái hộp xuống nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa. Hỏi người chủ trì hỏa táng ở đó để xin tiễn lai Thái đi. Chú ấy lắc đầu quầy quậy, nói ở đây chỉ hỏa táng người, không hỏa táng động vật. Con đứng năn nỉ cả buổi, chú ấy bèn đồng ý nhận một chút chi phí xem như thông cảm. Rồi một chốc sau, lai Thái nằm trong một túi tro được chuyển ra. Con mua chiếc hũ nhỏ, bỏ túi tro vào đó và kiếm một chỗ thanh tịnh bên bờ kênh, đào đất cho lai Thái nằm rồi mới về”.

Tôi à lên, hóa ra vì vậy nó mới đi suốt cả ngày. Nhưng trong thâm tâm vẫn nghĩ duyên kiếp một mối có lúc cũng phải rời. Huống chi lai Thái về nhà lúc còn nhỏ, ở trong nhà vài tháng cũng đã có phần bén hơi. Bỗng liên tưởng đến chuyện ngày thơ ấu đôi khi tìm một chỗ ở góc vườn im mát để đào đất chôn chú dế lửa từng chiến đấu vang danh với bầy dế của bọn nhỏ cùng xóm. Thôi, đành vậy!

2. Rồi y vậy, Mướp từng ngày lớn lên. Mấy đứa mua hộp đồ ăn, cát để đi vệ sinh hằng tuần, lồng để di chuyển khi cần, trụ quấn dây thừng cho nó cào móng. Ở trên trụ thừng có chiếc ghế nhỏ trải đệm cho nó ngủ hằng đêm. Thỉnh thoảng lâu lâu, ngày nắng lại tắm táp một chút rồi cắt móng 4 bàn chân. Mấy mùa xuân trôi qua, nó phởn phơ lớn, cho đến khi dịch Covid-19 ập đến, cả nhà ngồi sau cánh cổng, ngó đi ngó lại và đôi khi cùng Mướp đùa giỡn.

Nhưng dường như trong thâm tâm, tôi thấy Mướp như cảm nhận được có một biến cố gì đang xảy ra. Bởi nhiều đêm, giọng nó kêu thảng thốt rất lạ. Có khi buổi sáng, pha ly cà phê ngồi lặng thầm, nó mon men đến bên cọ vào chân rồi tót lên ghế bên cạnh ngồi yên lặng. Nhìn mắt nó lim dim, đoán có thể hồi đêm nó cũng khó ngủ, vì cái sự im ắng lạ lùng rất khác của một thành phố vốn thường vọng tiếng xe rõ mồn một cho đến khuya lắc khuya lơ.

Mấy tháng ấy, bên cạnh thực phẩm cho người, còn có cái khó nhất là sợ hụt thức ăn cho Mướp. Dù đã có chuẩn bị, song không biết cách ly dịch giã sẽ kéo dài ra sao, đến khi nào mới kết thúc. Những cửa tiệm bán thức ăn cho vật nuôi đôi khi mở hé rồi đóng lại, mà đi ra đường thì lại khó khăn. Làm sao biết lúc nào người ta mở bán chỉ một chốc lát ấy, mà len lén ra đường. Nhưng rốt cuộc rồi cũng thở phào, đi qua cùng đận gian nan và sự thiếu hụt khó khăn của bao người, Mướp lại được ăn ngủ no đủ an nhiên. Bởi thế, đôi lúc ánh mắt khi ngước nhìn tôi và cách oằn cọ mình giỡn hót cũng đã có phần rất khác!

3. Mùa xuân, hoa lá rạo rực. Năm nào cũng vậy, tầm 24, 25 tháng chạp, vợ chồng tôi lại đi dạo chợ hoa một vòng. Ngắm và chọn, để rồi đặt trước cho người bán chậu quất kiểng, chậu mai vàng. Xong, lại đèo nhau đi mua nếp, đậu xanh, lạt lá, thịt heo để gói bánh tét. Để rồi, khoảng một hai ngày sau, đi chở hoa về chưng trong nhà và trước thềm, cho có chút hương xuân.

Những lúc cả nhà tíu tít với hoa với bánh ấy, nhìn Mướp có phần vui hẳn lên. Linh hồn và vạn vật hòa nhau, tôi đoan chắc không chỉ người mà vật nuôi trong nhà cũng dự phần, dù chúng không bao giờ biết nói ra. Nhìn những cái vẫy đuôi hay tiếng kêu âu yếm, những hân hoan trong mắt nhìn… có thể thấu suốt được ý nghĩa mùa xuân đến với cõi nhân gian.

Và, 6 mùa xuân đi qua như thế, Mướp cùng hiện diện với gia đình tôi, cho dù mầm xanh trỗi dậy ngày hay đêm, cho dù đóa hoa bung nụ đầu cành sớm hay muộn.

Những khoảnh khắc ngày chủ nhật sau đại dịch Covid-19, Mướp phởn phơ đùa giỡn và dường như cảm nhận được điều bình yên đã đến

TRẦN THANH BÌNH

Vĩ thanh

Tháng 10 vừa qua, con gái út của tôi, là chị chủ nhỏ của Mướp rời nhà đi tập trung huấn luyện quân sự hơn 10 ngày, theo chương trình của trường đại học mới thi đậu. Thật khó hình dung hết nỗi nhớ quay quắt hằng đêm khi Mướp đi khắp các phòng kêu réo và cào cửa. Chị chủ cũng lần đầu tiên xa nhà lâu đến thế, nên như có một hướng vọng tâm linh. Để rồi, khi trở về, Mướp nghe tiếng ồn chạy ào ra đón. “Chị em” bồng bế nhau âu yếm, tưởng như miền xa cách ấy đã lùi vào dĩ vãng.

Nhưng không, rồi sau đó cuối tháng 11, chị chủ nhỏ lại có một chuyến xuất ngoại để trau dồi tiếng Anh hơn một tháng. Biết chắc, tháng ngày ấy sẽ là một thử thách nữa cho những nhớ nhung nơi xứ người hướng về Sài Gòn, trong căn nhà có chú mèo mà chị chủ nhỏ thường hay gần gũi, chăm bẵm. Nên chúng càng quấn quýt nhau hơn.

Trước ngày đi, con gái nói: “Con sẽ về đúng dịp Giáng sinh. Lúc ấy đã gần tết, năm nay mùa xuân đến sớm. Mai mốt lại sẽ nhìn thấy Mướp loay hoay bên cạnh, khi con thay ba mẹ ngồi canh nồi bánh tét trước giờ phút nhà mình đón đợi giao thừa”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.