Chu Minh Ký, quái kiệt già trong bar trẻ
19/12/2016 16:15 GMT+7
Giữa quán bar nô nức tuổi xuân, một Chu Minh Ký chạm ngưỡng 60 lại khiến cho tuổi trẻ trẻ hơn bao giờ hết.
Tự động phát
[VIDEO] Quái kiệt già trong bar trẻ
- THỰC HIỆN: Thanh Tâm - Nguyễn Lộc - Hoàng Minh - Phạm Thủy - Tài |
Trong 7 năm gắn liền với sân khấu đặc biệt này, Chu Minh Ký đã truyền lửa cho bao nhiêu người trẻ bởi phong cách biểu diễn sôi động cùng lối hát sáng tạo “có một không hai”. Khách đến bar đa phần là người nước ngoài và các bạn trẻ người Việt, để ai cũng có thể hiểu được thông điệp muốn truyền tải trong bài hát, Chu Minh Ký thường dịch các ca khúc nước ngoài ra tiếng Việt và tiếng Việt ra tiếng Anh, hát mỗi phần một nửa. Những bài gắn liền với phong cách hát của ông như 90 năm cuộc đời (60 năm cuộc đời), Lá đỏ, Em đẹp nhất tối nay (You’re Wonderful Tonight)…
Thu Hương, một người yêu thích nhạc của Chu Minh Ký cho biết: “Mỗi lần đến đây nghe nhạc, mình chỉ đợi đến lượt chú Ký lên hát. Mặc dù chú là người lớn tuổi nhất trong bar nhưng lại là người được mong chờ nhất. Cái không khí mà chú Ký tạo ra khi chú biểu diễn không ai có thể tạo ra được, chú rất sung và như bùng nổ trên sân khấu vậy”.
Cái biệt tài đặt lời ấy gắn liền với câu chuyện âm nhạc của Chu Minh Ký mà không phải ai cũng biết. Những năm 1990, ông được biết đến như một người chuyên đặt lời Việt cho các ca khúc nhạc nước ngoài như nhạc Hoa, nhạc Hàn, nhạc Âu-Mỹ. Thời điểm thống trị của phim Hồng Kông ở Việt Nam, Chu Minh Ký chính là người đặt lời Việt đầu tiên cho các ca khúc nhạc Hoa trong phim Bao Công, Anh hùng xạ điêu… Minh Thuận, Nhật Hào, Lam Trường hay Đan Trường cũng là những cái tên gắn liền với nhạc Hoa lời Việt của Chu Minh Ký, với các ca khúc quen thuộc như Những lời dối gian, 999 đoá hồng, Người tình mùa đông…
“Đặt lời chứ không phải là dịch lời. Dựa trên giai điệu có sẵn, tôi đưa cảm xúc của mình vào để viết lời Việt. Nhiệm vụ của một người làm nhạc, sáng tác nhạc hay đặt lời là ngày hôm sau phải quên đi những gì mình đã có. Như vậy thì âm nhạc của mình mới luôn mới mẻ”.
|
So với 200 ca khúc đặt lời Việt cho nhạc nước ngoài thì số sáng tác của nhạc sĩ Chu Minh Ký lại chọn lọc hơn nhiều, đa phần là những suy ngẫm thẳng, thật về cuộc đời, khiến người nghe không khỏi giật mình.
“Sống trên đời, nào ai phải đâu cũng giống như ai
Này mình ơi! Có người cao, làm sao bàn chân mình nhói tới được cho bằng người
Thôi thì ta, hãy cứ cố gắng mài sắt nhé. Rồi ta cũng có ngày nên kim
Mình với ta, buồn mà làm chi” [Ca khúc: Mình với Ta chỉ là một thôi]
Này mình ơi! Có người cao, làm sao bàn chân mình nhói tới được cho bằng người
Thôi thì ta, hãy cứ cố gắng mài sắt nhé. Rồi ta cũng có ngày nên kim
Mình với ta, buồn mà làm chi” [Ca khúc: Mình với Ta chỉ là một thôi]
Nhạc của Chu Minh Ký luôn mang âm hưởng của sự yêu đời, khao khát được sống, và pha lẫn với triết lý vô thường. Với ông, sự cố gắng trong âm nhạc là điều hiển nhiên. Nhưng cố gắng ấy không phải để chạm đến tham vọng hay để đạt được những cái không thuộc về mình.
Những năm 1970 khi vừa đi làm về, ông đã phóng đến quán cà phê để chơi nhạc, quần còn rách nữa, nhưng được đàn được hát là đã thấy hạnh phúc. Cố gắng ấy, chỉ là làm tất cả mọi thứ để có thể sống với âm nhạc mà không cảm thấy đau khổ, muộn phiền. Ông bảo đam mê ấy đến lúc này vẫn còn nguyên.
|
Khác với sự máu lửa trên sân khấu, ngoài đời Chu Minh Ký lại là một người đàn ông trầm tĩnh, ít nói và ngại ngần trước máy quay, nhất là khi phải tự giải bày về chính mình. Ngoài việc đi hát vào buổi tối ở quán bar, hầu hết thời gian còn lại ông ngồi làm nhạc ở studio tại gia và phụ vợ đệm đàn cho các học viên luyện thanh.
Lớp học luyện thanh Cô Vân - Chú Ký là cái tên thân thương mà các học trò dành cho hai vợ chồng, và cũng là cặp bài trùng trong âm nhạc. Ca sĩ, giảng viên thanh nhạc Hồng Vân gọi tình duyên của mình với Chu Minh Ký là định mệnh.
Năm 1984, khi đi diễn và được giao cho bài hát Ước mơ xuân, một bài rất khó do nhạc sĩ Chu Minh Ký hòa âm phối khí, cô đã thầm nể phục trong lòng. Rồi từ cảm mến, giúp đỡ và sau đó là tình yêu, hai người lấy nhau, trở thành 2 mảnh ghép hoàn hảo mà âm nhạc là chất keo kết dính. Vợ luyện thanh cho học trò, chồng đệm đàn và thêm thắt sự sáng tạo trong cách hát, cách phối bài.
|
Với cô Vân, Chu Minh Ký là người nuôi dưỡng cái máu lửa với nghề cho cô từng ngày từng ngày một. Còn với Chu Minh Ký, cô Vân là người vợ quán xuyến hết mọi công việc trong gia đình, tiền bạc, để chú có thể được tự do rong chơi trong âm nhạc. Lúc tôi gọi điện xin phép phỏng vấn, Chu Minh Ký còn “bán cái” rất lẹ khiến tôi tủm tỉm cười: “Phỏng vấn bà xã nhé, bà ấy nói giỏi hơn chú, chứ chú không biết nói”.
Cả hai vợ chồng đều đang ở ngưỡng 60 nhưng tình yêu, sức trẻ trong họ dường như không có tuổi. Là “lò luyện” mà rất nhiều ca sĩ trẻ đang thành danh bây giờ lui tới để luyện thanh, đặc biệt là trước mỗi cuộc thi ca nhạc trên truyền hình, nhưng đời sống của họ lại gần như tách biệt hoàn toàn với những sân si, xô bồ của đời sống showbiz. Nhà rất nhỏ, mà tiếng đàn, tiếng nhạc khi thì vọng lên từ phòng khách, khi thì từ trên lầu, chẳng bao giờ thiếu vắng âm nhạc.
Lắng nghe cuộc sống giản đơn ấy, để hiểu lý do vì sao Chu Minh Ký vẫn mãi là quái kiệt trẻ nhất trong bar của người trẻ. Khi được hỏi âm nhạc mang lại điều gì và có lấy mất của Chu Minh Ký điều gì, ông thản nhiên đáp: “Chả mất gì cả. Âm nhạc cho mình tất cả. Có âm nhạc, mình cảm giác cuộc đời này đáng sống. Dù không giàu có, không có gì hết, nhưng mà sống được là tốt rồi”.
Bình luận (0)