Chủ nhà trọ Sài Gòn cầm cọc tiền 120 triệu phát cho người thuê 'để dành ăn Tết'

12/12/2021 12:39 GMT+7

Thương nhiều người nợ nần, khó khăn sau dịch Covid-19 , chủ trọ Sài Gòn và con gái cầm cọc tiền 120 triệu đồng phát cho người thuê trọ ở cả khu phố. Cầm tiền trên tay, nhiều người mừng rỡ, nói ‘để dành ăn Tết’.

Sáng sớm 12.12, khu trọ hẻm 147 đường Lê Đình Cẩn, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM rộn tiếng cười nói. Dù hẹn 8 giờ nhưng nhiều người đã cầm phiếu đến từ sớm tinh mơ xếp hàng chờ được nhận tiền từ ông Lê Tuấn Giản (78 tuổi, thường gọi ông Tư) - một chủ trọ tốt bụng ở Sài Gòn.

Cả con hẻm rộn ràng vì được phát tiền để dành ăn Tết của ông Tư

Cao An Biên

Ông chủ trọ “lạ đời” mang 120 triệu phát cho người khó khăn vì Covid-19

Thương lắm người lao động nghèo

Ông Giản là chủ trọ Sài Gòn gây "bão" mạng xã hội vì miễn 3 tháng tiền nhà trong dịch Covid-19, còn tặng thêm mỗi hộ 200.000 đồng khiến nhiều người ganh tị vì "chủ trọ nhà người ta".

Sáng nay, ông và con gái lại chuẩn bị 120 triệu đồng tiền mặt phát cho 400 người ở 8 tổ của KP6, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Hầu hết họ đều là người lao động thuê trọ, gặp khó khăn trong mùa dịch.

Cọc tiền được phát cho người lao động nghèo
Cao An Biên

Để số tiền đến đúng người, ông đã chủ động liên hệ với tổ trưởng của các khu phố, lập danh sách những người khó khăn và phát phiếu cho họ từ hôm trước, sáng nay người nhận chỉ cần mang phiếu đến khu trọ của ông để nhận tiền.

“Sau đợt dịch này, người ta bắt đầu đi làm lại để trả nợ nần, kiếm sống nhưng mưu sinh cũng khó khăn lắm, vật giá thì tăng mà lương thì cũng vậy. Thương lắm mấy người lao động lúc này, phải chật vật mưu sinh”, ông tâm sự. Vậy là ông Tư ngỏ ý với con gái, mong con hỗ trợ số tiền để có thể giúp đỡ cho những người khó khăn và con gái đồng ý ngay.

Sáng 12.12, nhiều người khó khăn mang phiếu đến khu trọ nhà ông Tư nhận quà

Cao An Biên

Bà Hữu cười tít mắt cầm tiền trên tay

Cao An Biên

Chị Lê Thị Cẩm Dung (39 tuổi, con gái ông Tư) cho biết khi cha gợi ý, chị ủng hộ ngay vì bản thân đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Hơn chục năm trở lại đây, chị Dung vẫn thường xuyên tham gia vào các công việc thiện nguyện hỗ trợ những người không may mắn.

Đúng 8 giờ, cha con ông Tư cùng một số người bạn bắt đầu cầm tiền phát cho người có phiếu. Chỉ trong 30 phút, cọc tiền dần vơi, những người cầm được tiền trên tay cũng không giấu được nụ cười sau lớp khẩu trang kín mít.

Bản tin Covid-19 ngày 12.12: Cả nước 14.638 ca mới | Trẻ em có cần tiêm vắc xin khi đã nhiễm bệnh?

“Tiền này không dám xài, để đó ăn Tết”

Bà Nguyễn Thị Giàu, sống ở dãy trọ cách nhà ông Tư hơn 100m là một trong những người tới sớm nhất xếp hàng chờ nhận tiền. 6 năm trước, gia đình bà 5 người từ Đồng Tháp lên TP.HCM thuê trọ, làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Mấy tháng giãn cách xã hội, cả nhà bà Giàu không ai làm ra tiền nên kiệt quệ. Bắt đầu cuộc sống thích ứng với dịch bệnh, các thành viên chia nhau mỗi người một việc quần quật từ sáng tới chiều để kiếm tiền trả nợ và trang trải các chi phí trong nhà.

Có nhiều người từng được ông Tư tặng tiền trong đợt dịch, nay lại tiếp tục được nhận tiền ăn Tết
Cao An Biên

“Chồng tôi làm thợ hồ, cuối năm ngoái té từ lầu 1 xuống bị gãy cột sống, giờ không làm gì nặng được hết. Qua dịch mọi thứ lại khó khăn hơn nên được chú Tư cho tiền là mừng lắm. Tết năm nay chắc nhà tôi không về quê, tại đâu có tiền, chú giúp vậy tôi thấy ấm lòng quá”, bà bộc bạch.

“Cảm ơn chú Tư nhiều lắm! Chúc chú sức khỏe!”, bà Phạm Thị Tây Hữu (72 tuổi) sau khi nhận được 600.000 đồng thì kiểm đếm cẩn thận rồi cười tít mắt. Bà Hữu cho hay, bà nhận cho một người quen khác nên mới được 600.000 đồng vì hôm nay họ đi làm.

Nhặt ve chai mưu sinh hơn chục năm qua, chồng và các con cũng làm lao động tự do kiếm sống, bà Hữu cũng rất chật vật khi phải trả tiền trọ hơn 3 triệu đồng và chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Diệu (44 tuổi) là người thuê trọ của ông Tư. Bà cho biết mùa dịch khi được giảm tiền trọ 4 tháng, nhận thêm tiền hỗ trợ từ ông đã vô cùng biết ơn. Hôm nay lại tiếp tục được ông giúp đỡ nên vô cùng xúc động. “Mình là công nhân xưởng gỗ, mấy nay có nhiêu tiền đâu. 300.000 với nhiều người là ít, nhưng với tôi là mấy ngày công, quý lắm”, bà tâm sự

Cao An Biên

Bà Giàu đến xếp hàng từ sớm

Cao An Biên

“Tôi để đó, quyết không xài. Để dành cho tới Tết để mua thịt cúng ông bà. Tôi coi số tiền này như là tiền lì xì Tết của mình vậy. Mùa dịch ông Tư cũng giúp tôi tiền, thực phẩm, giờ qua dịch rồi ông ấy vẫn giúp. Không biết nói sao cho hết nghĩa tình này”, cụ bà xúc động nhét tiền vào túi rồi đạp xe về nhà.

Thấy những lượt người cười tươi khi nhận được tiền, ông Tư không giấu được niềm hạnh phúc. Với ông, được giúp người, được cho đi là niềm vui lớn nhất lúc này. “Bất kể khi nào có điều kiện, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy thôi”, ông khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.