Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2024 là ai?

Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2024 là ai?

12/10/2024 05:11 GMT+7

Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản, một phong trào cơ sở của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.

Chiều 11.10, Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố trao giải Nobel Hòa bình 2024 cho tổ chức Nihon Hidankyo tại Nhật Bản vì nỗ lực loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Nihon Hidankyo là một tổ chức đại diện cho những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến 2.

Tổ chức này được thành lập để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân, cung cấp hỗ trợ y tế, và vận động cho hòa bình, cũng như ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Đại diện Ủy ban Na Uy nhận xét: "Hibakusha đã giúp chúng ta mô tả những điều không thể diễn tả, suy nghĩ những điều không thể nghĩ tới và bằng cách nào đó nắm bắt được nỗi đau và sự đau khổ không thể hiểu nổi do vũ khí hạt nhân gây ra."

Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2024 là ai?- Ảnh 1.

Đồng chủ tịch Nihon Hidankyo - ông Toshiyuki Mimaki - người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử Hiroshima năm 1945 vỡ òa cảm xúc khi tổ chức đạt giải

Ảnh: REUTERS

Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà hoạt động người Iran Narges Mohammadi vì những nỗ lực trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền phụ nữ ở quốc gia này.

Từ năm 1901 đến năm 2022, giải Nobel Hòa bình đã được trao 104 lần với tổng cộng 111 cá nhân và 30 tổ chức được vinh danh.

Người trẻ tuổi nhất nhận giải là cô Malala Yousafzai người Pakistan, được vinh danh năm 2014 khi mới 17 tuổi, nhờ nỗ lực đấu tranh chống áp bức và bảo vệ quyền được giáo dục của trẻ em.

Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2024 là ai?- Ảnh 2.

Cô Malala Yousafzai nhận giải thưởng khi chỉ mới 17 tuổi

Ảnh: REUTERS

Người lớn tuổi nhất từng nhận giải là nhà vật lý người Ba Lan Joseph Rotblat, được trao giải vào năm 1995 khi ông 86 tuổi vì nỗ lực giảm thiểu vai trò của vũ khí hạt nhân trong chính trị quốc tế và loại bỏ hoàn toàn vũ khí này về lâu dài.

Ủy ban Nobel Na Uy cho biết họ đã nhận được tổng cộng 286 đề cử cho giải thưởng năm nay, trong đó có 197 đề cử cho cá nhân và 89 đề cử cho tổ chức.

Năm ngoái, ủy ban nhận được 351 đề cử trong khi năm nhiều nhất là 2016 với 376 đề cử. Ủy ban bao gồm 5 thành viên được quốc hội Na Uy chỉ định, thường là các học giả và cựu chính trị gia, nhưng hoạt động một cách độc lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.