Chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 nói về sự tương đồng giữa VinFuture với giải Nobel

17/01/2022 23:17 GMT+7

Theo GS Gerard Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018, ông ủng hộ tham vọng xây dựng giải thưởng VinFuture đạt tầm cỡ giải Nobel. Còn GS Richard Friend, cha đẻ của công nghệ OLED, tin tưởng VinFuture mãi là một giải thưởng toàn cầu.

Chiều nay 17.1, ngay khi tới Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế là thành viên của Hội đồng giải thưởng VinFuture đã gặp gỡ và chia sẻ với báo chí trong nước một số thông tin về giải thưởng VinFuture lần thứ nhất.

Dự buổi gặp mặt có GS Richard Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture; một số thành viên hội đồng giải thưởng như GS Gerard Mourou, GS Đặng Văn Chí, TS Anandan Padmanabhan. Ngoài ra, có 2 nhà khoa học là đồng chủ tịch hội đồng sơ khảo cũng có mặt, gồm GS Nguyễn Thục Quyên và GS Albert Paul Pisano.

Các nhà khoa học trong các hội đồng giải thưởng VinFuture chia sẻ với báo giới khi vừa đặt chân đến Việt Nam

Quý hiên

Đây đều là những nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, thậm chí trong số họ còn có những người là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình như GS Gerard Mourou, chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý 2018; hoặc GS Richard Friend, cha đẻ công nghệ OLED; hoặc GS Đặng Văn Chí, nhà khoa học gốc Việt nghiên cứu về ung thư và nhà huyết học - ung thư học nổi tiếng toàn cầu…

Ủng hộ tham vọng của VinFuture

Trao đổi với các nhà báo Việt Nam, GS Gerard Mourou cho biết, ông được một số nhà khoa học Việt Nam liên hệ và mời tham gia hội đồng giải thưởng VinFuture. Họ là những giảng viên, cán bộ của các trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM, là những người có năng lực nghiên cứu khoa học, ham học hỏi.

Hơn nữa, nơi ông làm việc ở Pháp, Trường Bách khoa Paris (École polytechnique), có nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam. Trong quá trình làm việc của mình, ông đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều người trong số họ và đều nhận thấy họ là những người có kết quả học tập tốt, thể hiện khả năng khoa học vượt trội. Vì thế, ông tin tưởng vào khả năng làm khoa học của người Việt Nam.

GS Gerard Mourou

QUý Hiên

“Tôi nghĩ Quỹ VinFuture mời tôi tham gia Hội đồng giải thưởng vì tôi từng là một người được giải thưởng Nobel, trong khi đó họ hướng tới việc xây dựng giải thưởng này đạt tầm cỡ giải Nobel. Tôi nhận thấy đây là một giải thưởng có ý nghĩa, nên đồng ý tham gia”, GS Mourou cho biết.

Khi được đề nghị so sánh về tầm vóc của giải thưởng VinFuture với một số giải thưởng lớn khác, chẳng hạn giải Nobel, GS Mourou nói: “Thực sự rất khó để so sánh. Giải Nobel đã có từ hơn 120 năm nay, còn VinFuture thì đây là năm đầu tiên trao giải. Nhưng có điểm giống nhau giữa 2 giải thưởng là đều khuyến khích lòng đam mê khoa học, đồng thời khuyến khích sự phát triển khoa học công nghệ của các quốc gia. Giải thưởng này góp phần thu hút sự quan tâm của giới khoa học. Cả những sinh viên đang học đại học cũng sẽ nhìn thấy triển vọng của khoa học từ giải thưởng này để tham gia vào hoạt động nghiên cứu nhiều hơn”, GS Mourou nói.

Đề cao đổi mới sáng tạo và lợi ích xã hội của khoa học

GS Richard Friend, cha đẻ của công nghệ OLED (được sử dụng để phát triển màn hình phẳng, màn hình cuộn và màn hình chuyển động) cho rằng khoa học công nghệ chỉ làm tròn sứ mệnh khi được kết nối để mang lại lợi ích cho xã hội. Nhưng thật đáng tiếc, trong khoảng một thời gian rất dài gần đây, ở phương Tây, nguyên tắc này đôi khi gần như bị lãng quên, nhiều khi hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ thuần túy “vị khoa học” mà chưa để ý tới khía cạnh kết nối để mang lại lợi ích cho xã hội. Do đó, ý tưởng của giải thưởng VinFuture là một ý tưởng tuyệt vời, rất có ý nghĩa bởi nó tạo sự kết nối, tôn vinh những phát kiến khoa học công nghệ mang lại lợi ích cho xã hội.

GS Richard Friend (giữa)

Quý Hiên

GS Friend cho biết, để chọn được ứng viên xứng đáng để trao giải, các nhà khoa học tham gia các hội đồng sơ khảo, hội đồng giải thưởng trải qua một quá trình làm việc mà công việc tìm kiếm, tuyển chọn hồ sơ được tổ chức thực hiện rất tốt. “Chúng tôi nhận được trên 600 hồ sơ, tất cả hồ sơ đều có chất lượng cao. Điều này cũng phản ánh công sức, sự đầu tư vào việc lựa chọn ứng viên của các nhà khoa học tham gia các hội đồng của giải thưởng. Những việc họ đã làm là tìm kiếm ứng viên có hồ sơ phù hợp trên toàn thế giới, đó là một khối lượng công việc thực sự khổng lồ. Nó cho thấy những người tổ chức giải thưởng rất có chất lượng, tôi đánh giá rất cao đội ngũ này vì họ làm việc rất chuyên nghiệp. Từ con số không vào thời điểm này năm ngoái, đến giờ chúng tôi đã trải qua một quá trình làm việc hết sức ấn tượng”, GS Friend chia sẻ.

Cũng theo GS Friend, giải thưởng chính của giải thưởng VinFuture có 2 tiêu chí quan trọng, là giá trị cốt lõi làm nên giá trị công trình của nhà khoa học: một là tính đổi mới sáng tạo, thứ 2 là mang lại lợi ích xã hội to lớn. “Đây là giá trị cốt lõi làm nên các nét đặc trưng, tạo ra sự khác biệt của giải thưởng này với một số giải thưởng khác ở trên thế giới”, GS Friend nói.

Khi được hỏi, trong quá trình xem xét giải thưởng, các hội đồng có dành sự ưu ái nào không các nhà khoa học Việt Nam hoặc các nhà khoa học người Việt đang làm việc ở nước ngoài, GS Friend khẳng định: “Giải thưởng VinFuture là một giải thưởng khoa học toàn cầu, do đó hội đồng xem xét hồ sơ không ưu tiên cho riêng quốc gia nào hay nhà khoa học đó của quốc gia nào. Chúng tôi tin tưởng VinFuture là sẽ mãi là một giải thưởng toàn cầu”.

Theo GS Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture, hội đồng sơ khảo nhận được hơn 600 hồ sơ đề cử là một điều bất ngờ cho chính bà và các thành viên trong hội đồng. “Vì năm đầu tiên xét giải nên chúng tôi nghĩ nếu may mắn thì sẽ được khoảng 150 hồ sơ. Đằng này nhiều gấp 4 lần, mà toàn là hồ sơ xuất sắc. Đây là một áp lực cho hội đồng. Chúng tôi làm việc rất nhiều. Thay vì chỉ tổ chức vài cuộc thảo luận thì chúng tôi đã phải họp rất nhiều và cuộc nào cũng rất dài. Nhưng chúng tôi rất vui khi nhận được nhiều đề cử xuất sắc”, GS Quyên nói.

GS Quyên cũng chia sẻ thêm: “Là một người Việt Nam, tôi thấy rất vinh dự, hãnh diện vì đất nước mình có được một giải thưởng to lớn như vậy, được cả cộng đồng khoa học thế giới biết tới. Dù VinFuture là một quỹ tư nhân, nhưng giải thưởng này đã giúp các nhà khoa học thế giới biết đến Việt Nam chứ không chỉ là biết đến VinFuture”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.