Chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học 2022: Tương lai của nhân loại xoay quanh hóa học

24/04/2023 06:05 GMT+7

Trao đổi với báo giới VN, GS Morten Peter Meldal, chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học 2022, cho rằng hóa học rất quan trọng với tương lai nhân loại, bởi nó cho biết mai sau chúng ta sống như thế nào trên thế giới này.

Tuần qua, GS Morten Peter Meldal (quốc tịch Đan Mạch), một trong 3 nhà khoa học được giải thưởng Nobel Hóa học 2022, đã đến VN và thực hiện bài giảng đại chúng tại một số trường ĐH ở TP.HCM và Hà Nội. Bên lề bài giảng đại chúng tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, GS Meldal đã có cuộc trò chuyện thú vị với các nhà báo.

ĐIỀU KIỆN TRỞ THÀNH HỌC TRÒ CỦA CHỦ NHÂN GIẢI THƯỞNG NOBEL

GS Meldal cho biết tuy đây là lần đầu tiên đến VN nhưng đất nước này không quá lạ lẫm với ông. Trước đây, ông từng dạy một sinh viên (SV) người VN tên là An. Ấn tượng của ông về An là một người rất giỏi (nên sau khi học xong đã được giữ lại làm việc ở nước ngoài). Lần đến VN trực tiếp này, ông nhận thấy cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu hóa học trong các trường ĐH ở VN khá tốt, SV được đào tạo cơ bản; các nhà hóa học cũng có trình độ, có khả năng hiểu được những nội dung chuyên môn mà ông chia sẻ trong bài giảng đại chúng.

Khi nói về cơ hội cho SV VN được đào tạo sau ĐH tại các trường ĐH ở Đan Mạch, GS Meldal cho rằng rất rộng mở. Về mặt trí tuệ, khả năng sáng tạo, năng lực làm việc, các bạn trẻ VN hoàn toàn có thể cạnh tranh với các ứng viên Trung Quốc, Ấn Độ... trong việc nộp hồ sơ vào các vị trí mà các trường ĐH ở Đan Mạch tuyển dụng để đào tạo nghiên cứu khoa học. "Đan Mạch là một đất nước đầu tư khá tốt cho khoa học nói chung, khoa học cơ bản nói riêng. Vì thế, không chỉ trường ĐH của tôi (ĐH Copenhagen - PV) mà nhiều trường ĐH khác ở Đan Mạch mở ra rất nhiều cơ hội cho các bạn SV quốc tế. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một điều, muốn được nhận vào học thạc sĩ hay làm tiến sĩ ở các trường ĐH ở Đan Mạch, các bạn phải qua một quy trình tuyển chọn nghiêm cẩn của hội đồng khoa học mà tôi hay bất kỳ giáo sư nào cũng đều không thể can thiệp được", GS Meldal nói.

Chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học 2022: Tương lai của nhân loại xoay quanh hóa học - Ảnh 1.

GS Morten Peter Meldal thực hiện bài giảng đại chúng tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội

QUÝ HIÊN

GS Meldal cũng cho biết thêm: "Quan điểm cá nhân của tôi khi tìm kiếm ứng viên nghiên cứu sinh là dựa trên khả năng phát triển của họ, chứ tôi không nhìn vào trình độ hiện tại của họ để đánh giá. Vì tôi cho rằng, nếu được làm việc với tôi và các thành viên khác trong nhóm nghiên cứu của tôi, một người có khả năng học hỏi sẽ học được rất nhiều. Vì thế, cái mà sau này họ nhận được là những bước tiến rất xa. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng nên cân nhắc khi quyết định theo học chương trình nghiên cứu sinh của chúng tôi. Bởi một trong những yêu cầu cơ bản là các bạn phải học 2 môn hóa hữu cơ (cơ bản, nâng cao), mà chương trình 2 môn này thì rất nặng".

THỜI ĐIỂM TỐT NHẤT NẢY SINH Ý TƯỞNG LÀ KHI… MƠ MÀNG NGỦ

Khi được hỏi về những khó khăn trong hành trình trở thành nhà khoa học hàng đầu thế giới, GS Meldal cho biết ông cũng như mọi nhà khoa học khác là luôn "gặp vấn đề", nên luôn phải tìm cách "giải quyết vấn đề", và thất bại là chuyện bình thường. Thường thì các nhà khoa học lên ý tưởng, sau đó xây dựng đề cương nghiên cứu rồi theo đuổi nó, và không phải bao giờ cũng thành công.

Theo GS Meldal, một trong những vấn đề của các nhà hóa học trẻ là không có tiền, trong khi đây là ngành nghiên cứu thực nghiệm, đòi hỏi chi phí rất tốn kém. Để giải quyết vấn đề này, các bạn trẻ nên tìm kiếm các cơ hội hợp tác. "Chẳng hạn như nên cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với đồng nghiệp lớn tuổi hơn, vì khi được chúng ta chia sẻ ý tưởng thì họ sẽ là những người sẵn sàng cùng chúng ta giải quyết vấn đề. Rồi các bạn cũng nên giữ quan hệ tốt với các giáo sư hướng dẫn mình (mentor), hoặc tìm kiếm những người có thể dẫn dắt mình trong giai đoạn đầu của sự nghiệp nghiên cứu khoa học", GS Meldal gợi ý.

Giải Nobel là cái đến sau cho một nghiên cứu chất lượng, nhưng đằng sau những công trình nghiên cứu có chất lượng đó là rất nhiều năm tháng, có nhiều khi cả ngày lẫn đêm làm việc trong phòng thí nghiệm. Không ai được nhận giải Nobel khi đang mơ đến nó. Họ đều được nhận giải khi đang mải mê nghĩ về khoa học.

GS Morten Peter Meldal

Cũng theo GS Meldal, các nhà khoa học trẻ cũng không nên làm cho cuộc sống của mình quá căng thẳng khi chỉ biết vùi đầu trong phòng thí nghiệm. Họ cần phải đứng lên, đi ra ngoài hít thở không khí trong lành, tìm kiếm các nguồn năng lượng tích cực trong cuộc sống ngoài phòng lab, làm cho đầu óc mình khoan khoái vì được thư giãn. "Ví dụ như hôm nay, khi ngồi ở đây trao đổi với các bạn cũng là lúc tôi đang làm cho cuộc sống của mình dễ chịu, thú vị hơn", GS Meldal nói, rồi tủm tỉm cười khi chia sẻ thêm: "Theo kinh nghiệm của tôi, thời điểm tốt nhất để nảy sinh các ý tưởng khoa học là khi chúng ta mơ màng ngủ, khi đó ta đã quên hết mọi thứ xảy ra trong ngày. Chính lúc đang dần chìm vào trạng thái mơ mộng đó thì các ý tưởng khoa học thường bất chợt đến".

Tuy vậy GS Meldal nhận định: "Tôi cho rằng không có nhà khoa học nào làm khoa học với mục tiêu theo đuổi giải Nobel cả. Giải Nobel là cái đến sau cho một nghiên cứu chất lượng, nhưng đằng sau những công trình nghiên cứu có chất lượng đó là rất nhiều năm tháng, có nhiều khi cả ngày lẫn đêm làm việc trong phòng thí nghiệm. Và nói thật là cần một chút may mắn nữa. Nên tôi nói thật, không ai được nhận giải Nobel khi đang mơ đến nó. Họ đều được nhận giải khi đang mải mê nghĩ về khoa học".

Chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học 2022: Tương lai của nhân loại xoay quanh hóa học - Ảnh 3.

Theo GS Morten Peter Meldal, các nhà khoa học trẻ cũng không nên làm cho cuộc sống của mình quá căng thẳng khi chỉ biết vùi đầu trong phòng thí nghiệm

BÍCH NGỌC


NHÀ HÓA HỌC CÓ RẤT NHIỀU CƠ HỘI ĐỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Theo GS Meldal, ngay cả ở Đan Mạch cũng gặp vấn đề về thu hút người trẻ theo học các ngành khoa học công nghệ nói chung và hóa học nói riêng. Trong thời đại ngày nay, khi chúng ta gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu toàn cầu, nghiên cứu hóa học rất quan trọng cho việc sản xuất, tích trữ, sử dụng năng lượng sạch một cách thông minh.

Nghiên cứu hóa học là một việc khó nhưng phải làm, bởi việc này không chỉ cho chúng ta rất nhiều lời giải về khoa học công nghệ hiện giờ, mà còn bởi nó liên quan tới tương lai nhân loại. Nếu chúng ta quan tâm tới những câu hỏi như chúng ta đã đến với thế giới này bằng cách nào, tại sao chúng ta lại ở đây, chúng ta sẽ sống ở đây như thế nào trong tương lai… thì câu trả lời duy nhất nằm trong hóa học. Để trả lời những câu hỏi đó, các nhà hóa học sẽ tưởng tượng mình tương tác với thiên nhiên, tương tác với môi trường xung quanh… như thế nào. Việc có vô vàn câu hỏi mà cuộc sống đặt ra liên quan tới hóa học là cơ hội cho những người trẻ lựa chọn nghiên cứu hóa học để theo đuổi. Họ sẽ có rất nhiều cơ hội để thay đổi thế giới, bằng các kết quả nghiên cứu hóa học của mình. Nhưng quan trọng nhất là các nhà hóa học phải làm cho các bạn trẻ đó thích thú với hóa học trước đã.

Lớp 7 - 8 mới dạy hóa cho học sinh là muộn

Ở Đan Mạch, lên lớp 7 - 8, học sinh mới bắt đầu được học môn hóa, trong khi hóa học hiện diện ở tất cả mọi nơi trong cuộc sống của mỗi con người. Học sinh lớp 8 là ở độ tuổi đã phát triển về nhận thức, đã có những nhận định của mình về thế giới xung quanh, mà mới bắt đầu được học các kiến thức về hóa là hơi muộn. "Nên dạy hóa cho các bạn trẻ càng sớm càng tốt. Khi đang là những đứa trẻ, đang ở độ tuổi hiếu động, thích thú quan sát các hiện tượng tự nhiên, thì đó là lúc rất tốt để cho các bạn ấy tiếp cận hóa học. Vì thế chúng tôi đang tìm kiếm tài trợ để có những dự án nhằm thu hút người trẻ đến với hóa học và khoa học công nghệ qua những video, để từ đó các bạn trẻ được quan sát những hiện tượng hóa học một cách dễ dàng hơn", GS Meldal nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.