Hôm nay 7.12, các chủ nhân giải thưởng VinFuture 2024 đã giao lưu với sinh viên và các nhà khoa học trẻ tại Trường ĐH VinUni về nghiên cứu khoa học cũng như triển vọng tương lai của các lĩnh vực mà mình đang theo đuổi. Tại đây, các chủ nhân của giải thưởng chính, những nhà khoa học lỗi lạc, những người có các công trình đột phá tạo nên nền tảng cho cuộc cách mạng AI ngày nay, đã nói về những bước tiến đáng kinh ngạc của AI.
"Chúng tôi như được nhảy vọt 10 năm đến tương lai"
Không sang Việt Nam để nhận giải, GS Geoffrey Hinton, ĐH Toronto, Canada tham gia cuộc giao lưu qua video. Ông với GS Yann LeCun và GS Yoshua Bengio cùng được nhận giải thưởng Turing (một giải thưởng được ví như giải Nobel trong lĩnh vực khoa học máy tính) năm 2018, đều được truyền thông quốc tế gọi là những "bố già AI". Giờ đây, cả 3 ông tiếp tục được VinFuture 2024 vinh danh ở giải thưởng chính cùng với 2 nhà khoa học khác, GS Fei Fei Li (Mỹ) và ông Jensen Huang (CEO NVIDIA).
Theo GS Hinton, sự bùng nổ gần đây trong lĩnh vực AI là kết quả của 3 yếu tố. Đầu tiên là nghiên cứu nhằm phát triển các phương pháp hiệu quả hơn cho phép mạng nơ-ron học, là việc mà ông, GS Yoshua, GS Yann và rất nhiều người khác đã thực hiện. Ngoài ra, còn phải kể đến khả năng tính toán cực nhanh của các bo mạch xử lý đồ họa (GPU) và lượng dữ liệu khổng lồ mà chúng ta có thể thu thập.
"Một khía cạnh tuyệt vời của giải thưởng lần này (VinFuture 2024) là sự ghi nhận công lao của ông Jensen Huang trong việc tiên phong tạo ra các bo mạch GPU hữu ích cho AI. Sự kết hợp giữa bo mạch GPU của Jensen Huang và bộ dữ liệu của GS Fei Fei Li đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hiện đại của AI. Thật tuyệt khi công sức của cả hai đều được ghi nhận bên cạnh những người đang làm việc với các thuật toán của mạng nơ-ron", GS Hinton nói.
GS Hinton chia sẻ: "Chúng tôi đã phát hiện khi sử dụng GPU để huấn luyện mạng thần kinh thì chúng nhanh hơn 30 lần. Đó là một bước nhảy vọt. Giống như tốc độ tính toán đã đi trước thời đại 10 năm. Đột nhiên chúng tôi như nhảy vọt 10 năm tới tương lai về tốc độ tính toán. Điều đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc chơi với AI, thật tuyệt vời!".
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm cách để hiểu thêm các kết nối trong mạng nơ-ron. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học tạo ra một loại trí tuệ nhân tạo giống với trí tuệ con người hơn, và thậm chí có thể giải thích được cả trực giác. Cách tiếp cận logic truyền thống không bao giờ làm được điều đó.
"Tôi bắt đầu lo sợ về AI"
GS Hinton nhận định, những mạng nơ-ron lớn ngày nay có trực giác theo cách tương tự con người. Từ năm ngoái, ông bắt đầu lo ngại, có thể chỉ mất từ 5 đến 20 năm để AI thông minh như con người. "Đó là khi tôi bắt đầu lo sợ về AI. Dừng phát triển không phải là một lựa chọn. Và vì vậy, lựa chọn duy nhất là cố gắng tìm ra cách để đảm bảo an toàn khi nó trở nên thông minh hơn chúng ta", GS Hinton chia sẻ.
GS Hinton nói: "Nhưng tôi không nghĩ không thể tránh khỏi "ngày tận thế". Tuy nhiên, không thể bỏ qua các khả năng, cần làm việc cật lực để ngăn chặn điều đó. Hy vọng rằng những sinh viên tài năng nhất sẽ chọn nghiên cứu về an toàn AI, giải quyết các mối đe dọa đa dạng, từ đe dọa dài hạn là AI chiếm quyền kiểm soát cho đến mối đe dọa ngắn hạn như tội phạm mạng".
GS Yann Lecun cho biết ông cũng lo ngại về nguy cơ khi AI thông minh như con người thì sẽ thống trị con người. Tuy nhiên, câu trả lời hiện tại là chưa. "Ta có thể thua khi chơi cờ với một món đồ chơi nhỏ giá 30 euro. Việc đó có nguy hiểm không? Câu trả lời là không. AI chỉ trở nên nguy hiểm khi ta tạo động lực (kiểm soát con người) cho AI. Còn hiện nay, AI chỉ mới có tri thức, chưa có động lực", GS Yann nói.
Cũng theo GS Yann, tạo ra AI phục vụ tích cực cho con người chỉ là một vấn đề kỹ thuật. Vì AI thông minh mà cho rằng AI sẽ thống trị con người là một định kiến, bởi thực tế cho thấy trong xã hội xưa nay có nhiều người thông minh nhưng họ đâu có thống trị thế giới! AI trước sau gì vẫn là công cụ, vấn đề là ở con người chứ không phải ở AI.
Theo GS Yoshua Bengio thì không thể chủ quan, chỉ một vấn đề nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của nhân loại. Con người có thể đưa động lực vào máy. Ví dụ, có người muốn biến máy trở thành con người, làm cho máy xuất hiện nhu cầu "sinh tồn", ta muốn tắt máy nhưng nó không chịu tắt. "Tất nhiên ta phải đảm bảo để không cho kịch bản đó xảy ra", GS Bengio nói.
Bình luận (0)