Chủ quan sau 3 lần bong gân khiến dây chằng đứt, đau nhức cổ chân kéo dài

17/10/2024 13:04 GMT+7

Anh T.T.T (48 tuổi, ngụ TP.HCM) thường xuyên phải làm việc tay chân. Tuy nhiên, trong vòng một năm qua, anh đã gặp phải chấn thương bong gân cổ chân hơn 3 lần.

Anh T. cho biết, các chấn thương này đều xảy ra trong các tình huống vận động bình thường như đi bộ hoặc lên xuống cầu thang, khiến anh bắt đầu cảm thấy bất an về tình trạng cổ chân của mình. Sau mỗi lần bong gân, anh T. đều gặp khó khăn khi đi lại, cảm thấy đau nhức và cổ chân ngày càng yếu đi. Không thể chịu được tình trạng đau nhức cổ chân kéo dài sau lần chấn thương thứ 3, anh T. đến bệnh viện để thăm khám.

Ngày 17.10, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Tiến Lộc (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, TP.HCM) cho biết, sau khi thực hiện các bài kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng cần thiết, kết quả ghi nhận cổ chân của người bệnh bị lỏng đáng kể. Đặc biệt khi tiến hành các bài kiểm tra chức năng dây chằng, hình ảnh MRI cho thấy toàn bộ hệ thống dây chằng bên ngoài cổ chân đã bị đứt hoàn toàn, gây ra tình trạng mất vững cổ chân, khớp cổ chân bị thoái hóa, làm tăng nguy cơ chấn thương tái phát.

Chủ quan sau 3 lần bong gân khiến dây chằng đứt, đau nhức cổ chân kéo dài- Ảnh 1.

Phẫu thuật tái tạo lại dây chằng bên ngoài cổ chân bằng phương pháp nội soi cho bệnh nhân

ẢNH: BSCC

Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật tái tạo lại dây chằng bên ngoài cổ chân bằng phương pháp nội soi. Đây là một kỹ thuật hiện đại với nhiều ưu điểm vượt trội như ít xâm lấn, giảm thiểu đau đớn sau mổ và rút ngắn thời gian hồi phục.

Dưới sự hướng dẫn của hệ thống nội soi khớp, các bác sĩ đã sử dụng dụng cụ chuyên biệt để tái tạo lại hệ thống dây chằng bị đứt bằng cách ghép dây chằng tự thân được làm từ gân khác ở vùng gối. Quá trình này không chỉ giúp tái tạo lại độ vững chắc của cổ chân mà vùng gân bị lấy đi làm mảnh ghép cũng không bị ảnh hưởng nặng nề.

Những ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh được băng nẹp cổ chân và đặt ở tư thế nghỉ ngơi để giảm sưng, tạo điều kiện cho mô tái tạo.

Vài ngày sau mổ, anh T. đã được xuất viện và hướng dẫn cách tập vận động, cổ chân đã vững chắc hơn, không còn tình trạng lỏng như trước. Anh có thể đi lại nhẹ nhàng mà không còn cảm thấy đau nhức nhiều như trước. Đặc biệt, không còn lo lắng về việc tái phát chấn thương như trước khi phẫu thuật.

Không nên chủ quan, cố chịu cơn đau khi bị bong gân

Bác sĩ Lộc khuyến cáo người dân khi bị chấn thương nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trong đa số trường hợp, tình trạng bong gân cổ chân có thể tự lành sau 3 tuần. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30% bệnh nhân bị bong gân phải trải qua phẫu thuật để phục hồi lại tổn thương. Không nên chủ quan, cố chịu đựng cơn đau, hoặc tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xoa bóp, nắn khớp... sẽ rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.

"Khi phát hiện sớm chấn thương, có thể áp dụng phẫu thuật nội soi giúp giảm thiểu xâm lấn, giảm thiểu nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm trùng, sưng tấy, giúp người bệnh sớm trở lại với cuộc sống, vận động như bình thường", bác sĩ khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.