Chủ quan với vết thương nhỏ, người đàn ông suýt phải cắt bỏ cả chân trái

28/11/2022 12:14 GMT+7

Chủ quan với vết thương nhỏ ở ngón chân trái, người đàn ông tự điều trị tại nhà mà không biết đã nhiễm một loại vi khuẩn hiếm gặp gây nhiễm trùng lan rộng.

Ngày 28.11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng cho biết, sau 2 tháng tích cực điều trị, ê kíp bác sĩ Khoa Ngoại của bệnh viện đã giữ được chân trái cho bệnh nhân bị nhiễm trùng do nhiễm một loại vi khuẩn hiếm gặp, xuất phát từ một vết thương nhỏ ở chân.

Trước đó, vào ngày 17.9 vừa qua, bệnh nhân N.V.N (54 tuổi) nhập viện trong tình trạng 2 ngón chân trái đã chuyển đen, chảy dịch và đau nhức rất nhiều. Sau thăm khám, ê kíp bác sĩ Khoa Ngoại nhận định 2 ngón chân đã hoại tử. Kết quả các xét nghiệm cho thấy, ông N. mắc đái tháo đường loại 2 với lượng đường trong máu rất cao.

Ông N. cho biết, trước thời điểm nhập viện khoảng 1 tuần, ông bị thương nhẹ ở các ngón 3 và ngón 4 bàn chân trái trong lúc làm việc. Tuy nhiên, vì vết thương nhỏ và không chảy máu nhiều nên ông tự điều trị tại nhà và tiếp tục sinh hoạt bình thường sau đó.

Bệnh nhân N.V.N đã được bệnh viện hỗ trợ trong chi trả viện phí. Sau thời gian điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định

S.X

Bác sĩ CKI Huỳnh Đắc Anh (Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình) chia sẻ đây là trường hợp đặc biệt khi bệnh nhân không chỉ mắc đái tháo đường nặng mà còn nhiễm một loại vi khuẩn rất hiếm gặp ngoài da (Proteus).

"Hai yếu tố này kết hợp đã khiến tình trạng nhiễm trùng diễn tiến rất nhanh. Lúc này bàn chân trái đã hoại tử nặng, chúng tôi quyết định phẫu thuật cắt bỏ bàn chân và đặt VAC thì tình trạng bệnh nhân có cải thiện. Tuy nhiên, sau đó vi khuẩn lại tiếp tục tấn công lên phần cẳng chân và đùi”, bác sĩ Huỳnh Đắc Anh nói.

Ê kíp bác sĩ đã quyết định tiếp tục thực hiện phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ tổ chức hoại tử với mong muốn giữ lại chân cho bệnh nhân. Đến ngày 2.11, tình trạng nhiễm trùng giảm hoàn toàn, vết thương lên mô hạt tốt.

Bệnh nhân N. được phẫu thuật để xoay vạt da tạo mỏm cụt ở cổ chân và ghép da. Sau đó, da sống đã che phủ dần được bề mặt vết thương.

Trải qua 6 cuộc phẫu thuật, hơn 2 tháng tích cực điều trị, chăm sóc vết thương cũng như điều chỉnh đường huyết tối ưu, tình trạng của ông N. đã ổn định.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Huỳnh Đắc Anh khuyến cáo, khi có các vết thương dù chỉ là rất nhỏ, người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt hơn; tránh nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương lan rộng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.