Chủ quyền Hoàng Sa được đề cập ra sao trong quy hoạch Đà Nẵng hướng đến đẳng cấp châu Á?

30/11/2023 17:24 GMT+7

Quy hoạch TP.Đà Nẵng định hướng phát triển huyện đảo Hoàng Sa kết hợp đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển gắn với tạo lập và xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững chắc và rộng khắp…

Đối với huyện đảo Hoàng Sa, quy hoạch TP.Đà Nẵng cũng định hướng bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trên biển; kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có Tuyên bố Về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.

Theo UBND TP.Đà Nẵng, huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 1.1997, là một quần đảo san hô nằm cách TP.Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km). Huyện bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, cồn Bông Bay, cồn Quan Sát, cồn Cát Tây, đá Chim Yến, đá Tháp. Huyện Hoàng Sa có diện tích 305 km2, chiếm 23,76% diện tích TP.Đà Nẵng (theo niên giám thống kê TP.Đà Nẵng năm 2010).

Về chính quyền huyện đảo Hoàng Sa, ngày 21.4.2009, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa trong nhiệm kỳ 2009 - 2014. Hiện nay, UBND huyện Hoàng Sa do ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng) là Chủ tịch UBND huyện; ông Lê Phú Nguyện (Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵn) làm Phó chủ tịch UBND huyện.

Chủ quyền Hoàng Sa được đề cập ra sao trong quy hoạch Đà Nẵng hướng đến đẳng cấp châu Á? - Ảnh 1.

Tàu của ngư dân Việt Nam đánh cá ở Hoàng Sa

T.N

Đà Nẵng là đầu mối kết nối mạng lưới đô thị quốc tế

Song song đó, với việc trở thành thành phố đầu tiên trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, "chân dung" của TP.Đà Nẵng tầm nhìn đến năm 2050 có gì đặc biệt?

Tại buổi lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào hôm 25.11, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết quy hoạch xác định mục tiêu Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế. TP.Đà Nẵng là trung tâm du lịch quốc tế gắn với trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Chủ quyền Hoàng Sa được đề cập ra sao trong quy hoạch Đà Nẵng hướng đến đẳng cấp châu Á? - Ảnh 2.

Đà Nẵng có nhiều bãi biển tuyệt đẹp. Quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước

T.N

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, kinh tế TP.Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5 - 10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm theo tinh thần Nghị quyết 43 ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 1 - 2%; công nghiệp - xây dựng khoảng 29 - 30%; dịch vụ khoảng 61 - 62%... GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người đạt khoảng 8.000 - 8.500 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%, đến năm 2030 dân số Đà Nẵng khoảng 1,56 triệu người, tính cả dân số quy đổi khoảng 1,79 triệu người.

Về định hướng phát triển không gian đô thị, toàn Đà Nẵng được tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu. Điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực; phát triển toàn thành phố trở thành một điểm du lịch lớn…

Huy động 800.000 tỉ đồng cho phát triển

Theo ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, từ phê duyệt của Thủ tướng, Đà Nẵng sẽ tập trung vào việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch TP; hoàn thành các quy hoạch phân khu, triển khai các quy hoạch chi tiết, đảm bảo thể hiện đầy đủ các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực được xác định theo quy hoạch chung...

Đáng chú ý, về nguồn lực thực hiện quy hoạch, ông Lê Quang Nam cho hay, Đà Nẵng sẽ huy động vốn đầu tư phát triển, dự kiến giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 800.000 tỉ đồng (đạt khoảng 40% GRDP), trong đó vốn đầu tư khu vực kinh tế nhà nước chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25 - 30% và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 20 - 25%); vốn đầu tư khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần huy động ở mức cao, dự kiến khoảng 60 - 65% tổng vốn đầu tư; thu hút vốn FDI khoảng 10 - 15% tổng vốn đầu tư.

Theo đó, Đà Nẵng ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và quy hoạch, đất đai theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án…

Chủ quyền Hoàng Sa được đề cập ra sao trong quy hoạch Đà Nẵng hướng đến đẳng cấp châu Á? - Ảnh 3.

Quy hoạch thành phố biển Đà Nẵng hướng đến đẳng cấp châu Á

T.N

"Không thể nghĩ và làm theo lối cũ"

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho Đà Nẵng; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ 2 về phát triển kinh tế - xã hội.

"Để đạt được những mục tiêu tham vọng này không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Đà Nẵng phải chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để TP.Đà Nẵng không chỉ đáng sống mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm", Phó thủ tướng nói và chỉ đạo Đà Nẵng nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển, có tính lan tỏa lớn…

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, UBND TP.Đà Nẵng cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng và khẩn trương phối hợp các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ để sớm trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch triển khai quy hoạch. UBND TP.Đà Nẵng ban hành ngay chính sách thuộc thẩm quyền để thu hút đầu tư các dự án động lực, trọng điểm, có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa, như: các dự án công nghiệp công nghệ cao mà trọng tâm là công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.