Chủ quyền Hoàng Sa từ 'thông điệp xanh'

08/01/2023 06:10 GMT+7

Những tư liệu, hình ảnh của tuổi trẻ hướng về biển đảo quê hương được Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) gọi tên là 'thông điệp xanh đầu xuân' gửi đến mỗi người về tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ với biển đảo quê hương.

“Thông điệp xanh” này được TS Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, đề cập trong bài phát biểu khai mạc triển lãm và tuyên truyền biển đảo sáng qua 7.1 với cụm 3 chủ đề: “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương”, “Lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, “Hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”. Tất cả được gói ghém thông qua hơn 140 tư liệu, hình ảnh tại cuộc triển lãm do Nhà trưng bày Hoàng Sa (đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND H.Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng) phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng, Phòng Chính trị - Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Trường ĐH Đông Á tổ chức.

Có nhiều lý do để cụm chủ đề “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” trở thành điểm nổi bật tại cuộc triển lãm và tuyên truyền lần này. Sau sáng kiến “mang” tư liệu, hình ảnh Hoàng Sa đến tận các trường THCS, THPT ở 7 quận, huyện của TP.Đà Nẵng hồi năm ngoái, ngay đầu năm 2023 triển lãm di động ấy bắt đầu tương tác với sinh viên. Các chuyến dừng chân mỗi trường 1 tuần giúp giới trẻ tương tác hiệu quả hơn, trực quan hơn, thuận lợi hơn về chủ quyền biển đảo.

Diễn ra ngay sau kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống huyện đảo Hoàng Sa (9.12.2022) và vào dịp kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam (9.1.2023), triển lãm lần này dự định khép lại vào ngày 12.1, trước khi chính quyền huyện đảo Hoàng Sa khởi động chương trình định kỳ hằng năm: thăm hỏi nhân chứng nhân ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị cưỡng chiếm trái phép (19.1.1974). Vậy nên, “thông điệp xanh” đâu chỉ được tạo ra bởi người trẻ, cho người trẻ mà còn đến từ phía chính quyền huyện đảo. Từng ngày ngọn lửa nhiệt huyết bảo vệ chủ quyền biển đảo tiếp tục thắp lên nơi giới trẻ và không gì nuôi dưỡng ký ức bằng chính việc kết nối cùng nhân chứng. Và trên tất cả, những hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa lan tỏa của UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) cho thấy chính quyền địa phương vẫn đang thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với phần biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc một cách bình thường, hợp pháp và xuyên suốt, phù hợp pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Từ hôm qua, hơn 200 sinh viên ở TP.Đà Nẵng bắt đầu tiếp cận những hình ảnh, tư liệu được lựa chọn từ Nhà trưng bày Hoàng Sa, và danh sách các bạn trẻ sẽ ngày một kéo dài thêm. Phải đến đấy, để nhận diện rõ hơn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thông qua các hình ảnh, bản đồ, tư liệu. Đến để biết các ngư dân vẫn ngày đêm can trường lướt sóng trên “cánh đồng đại dương”, để biết ngoài khơi xa các chiến sĩ đang miệt mài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo và tìm kiếm cứu nạn. Có hình ảnh gây xúc cảm tại lễ tuyên thệ chiến sĩ mới của Vùng 3 Hải quân, có lát cắt thường nhật với những công dân nhí ở Trường Sa, với xuân về trên những con tàu giữ biển…

Cứ thế, những giá trị lịch sử không chỉ “ngưng đọng” bên trong bảo tàng độc đáo tọa lạc cạnh tuyến đường Hoàng Sa và hướng mặt ra Biển Đông. Hoàng Sa vốn dĩ chất chứa trong tim giới trẻ, giờ càng thêm đầy ắp...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.