Léopold Cadière là sáng lập viên đồng thời là chủ bút của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (Đô Thành Hiếu Cổ, 1914-1944) với nhiệm vụ “tìm tòi, bảo quản và lưu truyền những ký ức xa xưa về lĩnh vực chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, Âu cũng như bản xứ, gắn liền với Huế và vùng phụ cận.” Để phục vụ cho công việc nghiên cứu vùng đất và con người Việt, trước hết Léopold Cadière tìm học tiếng Việt, tức am tường ngôn ngữ liên quan.
"Cái ni cái chi?"
Trong hồi ký Souvenirs d’un vieil Annamitisant (Hồi ký của một ông già Việt học, Đỗ Trinh Huệ dịch) đăng nhiều kỳ trên tạp chí Indochine giai đoạn 1942-1945 và tiếp nối trên tạp chí Sud-Est năm 1950, Cadière thuật lại quá trình học, thực hành và nghiên cứu tiếng Việt của mình rất chi tiết.
Trước khi rời Paris năm 1892, một vị Bề trên từng thừa vụ ở Huế dạy cho chàng thanh niên Cadière, lúc đó 23 tuổi, hai từ “đi đi” để tránh sự rầy rà của đám culi khi tàu cập bến Sài Gòn, quả thật hai từ ấy hiệu nghiệm, chàng thanh niên Pháp không bị dân bản xứ làm phiền. Vài ngày sau Cadière ra Tourane (Đà Nẵng), ông bắt đầu học tiếng Việt nghiêm túc từ lúc đó, đầu tiên là qua cha Laurent và người thông dịch.
|
Vì biển động nên Cadière ra Huế bằng đường bộ theo đường Cái quan thay vì phải đi thuyền như thường lệ, trước khi đi cha Laurent dặn dò nhiều thứ và dạy hai câu tiếng Việt, giúp ích cho ông rất nhiều trong chuyến hành trình: “Cái này tên gì?” “Cái này cái gì?” Cadière rất lưu tâm đến ngữ điệu và có nhắc đến chi tiết này khi thuật lại, thể hiện sự quan sát tinh tế của nhà dân tộc học trong ông, rằng “Cha [Laurent] học tiếng Việt của miền Nam” vì nếu nói tiếng Việt theo kiểu Huế sẽ phải đọc là “Cái ni tên chi?” “Cái ni cái chi?” Theo Cadière, chỉ với hai câu ấy thôi nếu biết dùng đúng lúc đúng chỗ đã có thể học và thực hành tiếng Việt, từ vụng về lúc ban đầu rồi dần dần khá lên và sẽ hoàn toàn chính xác.
Với Cadière, khoảng thời gian khó khăn nhất khi học tiếng Việt có lẽ là lúc mới đến Đàng Ngoài và được bố trí làm giáo sư trong Tiểu Chủng Viện, một môi trường thiếu người Việt và theo ông là không thuận lợi. Như vị thừa sai thuộc thế hệ tiên khởi Alexandre de Rhodes, Cadière cũng học tiếng Việt từ người Việt và trong môi trường người Việt không biết tiếng Pháp. Không chỉ quan sát, Cadière còn rất chăm ghi chép các từ hoặc câu mới nghe được vào sổ, về sau những tư liệu này giúp ông soạn thảo nhiều nghiên cứu về cấu trúc tiếng Việt.
Ông quan tâm đến ngôn ngữ giao tiếp trong nhà, ngoài chợ, ngoài đường, nơi đồng ruộng… cách phát âm của người nông dân, thợ thuyền, phu xe, người già, thanh niên, trẻ nhỏ, anh công nhân, chị bán hàng… Mỗi người phát âm mỗi vẻ, có chút khác biệt, nên phải lưu ý, quan sát và ghi nhớ. Hành trang ngôn ngữ với ông là được thực hành tiếng Việt không ngừng, nó là “từ sống” thay vì phải đánh vần “từ chết” trong sách hay qua người phụ đạo.
Kinh nghiệm xương máu
Cadière học tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi, từ mọi người và không ngại bị chê cười. Học nói từ người đầu bếp, từ các chuyến đi săn bò rừng, từ quá trình giao tiếp với người dân, nghe – sử dụng lại – nghe – phát âm như người bản xứ. Theo Cadière, trẻ con là người thầy dạy phát âm tốt nhất vì trầu chưa nhai, răng chưa mục, ngôn ngữ gọn ghẽ. Chỉ cần đi dạo với mấy đứa trẻ chắc chắn sẽ thu hoạch được nhiều bài học tiếng Việt tuyệt vời.
Ông viết trong hồi ký rằng, học ngôn ngữ bất kỳ không chỉ dừng ở việc nghe, nhớ hay vấn đề phát âm của thanh quản, học tiếng Việt (đối với người Pháp) quan trọng nhất là cách tư duy. Học không chỉ để nói giỏi như người Việt mà còn phải tâm tư nghĩ suy như họ. Ông nhấn mạnh, “khổ nỗi là chuyện ấy làm sao học qua sách vở.” Mà sách vở (văn phạm) lưu hành lúc đó theo ông là được soạn trên quan điểm và cách tư duy của người Pháp mà không dựa trên cơ cấu riêng của ngữ pháp Việt. Ví dụ cho vấn đề này, ông đưa ra một nhận xét tinh tế khi bàn đến hai cấu trúc trái ngược giữa “le boeuf”. Mạo từ le chỉ/xác định cho thực thể (danh từ) boeuf trong tiếng Pháp và “con bò” (bò [đực, cái hay bê] chỉ/xác định cho thực thể (danh từ) chủng loại con trong tiếng Việt. “Cấu trúc khác nhau nên suy diễn tư duy cũng khác nhau”.
|
Kiến thức sách vở đôi lúc khiến Cadière lạc hướng, như khi ông được hỏi cách dịch từ mais (nhưng) trong tiếng Pháp ra tiếng Việt như thế nào, ông trả lời là song le. Song le là từ ông học từ sách vở, ở vùng Bắc Trung kỳ ông đang ở lúc đó người ta không biết và chưa bao giờ nghe đến song le, họ chỉ dùng liên tự đều (diễn tả một điều đối ngược), và ông cũng chưa hề biết đến liên tự này.
Trong hồi ký, Cadière hơn một lần nhắc đến cái ý: ngôn ngữ không được học qua sách vở, học tiếng Việt là phải học trực tiếp với người Việt. Viết như thế không có nghĩa là ông phê phán sách vở, ngược lại ông sưu tầm được rất nhiều sách quan trọng về tiếng Việt, ông nhấn mạnh sách vở là ông thầy tuyệt vời “nếu ta biết sử dụng chúng” nhưng “không nên chỉ học qua sách vở”. Ông cũng nhắc lại câu chuyện “Cái này tên gì?” “Cái này cái gì?” với ý rằng, theo thời gian sẽ cần nhiều từ và câu dài hơn, chính lúc đó người ta sẽ cần đến sách vở.
Cadière cũng đặt ra câu hỏi nghiêm túc: “Tiếng Việt hay là tiếng Việt ta đang sử dụng trong vùng mình ở?” Chuyện phương ngữ đặc thù kiểu như vậy khiến Cadière rất lưu tâm, đặc biệt là khi ông đang ở Đồng Hới – vùng đặc ngữ của Bắc Trung kỳ với nhiều cổ ngữ. Ông dần khám phá ra những khác biệt giữa sách vở và tiếng địa phương, ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói. Ông nhận ra mình đã khép mình trong tháp ngà bấy lâu vì hậu quả của thứ “tiếng Việt chuẩn, ngôn ngữ chuẩn” “trong sách vở” và “không có trong sách vở”.
|
Kết thúc kỳ số 3, Cadière viết rằng: “Nói đi nói lại mấy cũng không đủ. Tiếng Việt không học được khi ngồi vào bàn, cúi nhìn trong sách hay trong trang giấy, với người phụ đạo bên cạnh, mà phải học bằng cách nói và sống với người dân…”. Ở một kỳ báo khác ông viết đại ý là ai không ăn được cơm, đồ ăn Việt, không biết ăn trầu, không biết cầm đũa, không chịu được người Việt thì không thể học tiếng Việt nhanh được, thậm chí là không thể học được tiếng Việt. Có nghĩa là muốn học tốt tiếng Việt, điều kiện cần là người ngoại quốc phải thích nghi và hòa nhập nhanh vào đời sống thường nhật của người bản xứ.
Không chỉ học tiếng Việt để biết tới nơi tới chốn những việc cần biết, Cadière đã cố gắng tư duy bằng chính tiếng Việt trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình.
Bình luận (0)