Sáng 18.2, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ đảng viên công nhân, cán bộ công đoàn tiêu biểu.
Đến dự có ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy; ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM và hơn 300 công nhân, cán bộ công đoàn tiêu biểu.
Phát triển nhà ở xã hội có giá ưu đãi cho công nhân
Phát biểu tại hội nghị, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân), cho biết một trong những rào cản lớn khiến người lao động từ các tỉnh khó gắn bó lâu dài với TP.HCM là vấn đề nhà ở. Khi đến thành phố làm việc, họ phải thuê trọ, do đó nếu đưa cả gia đình theo thì chi phí sinh hoạt sẽ tăng cao.
Ngược lại, nếu để gia đình ở quê, họ luôn sống trong cảm giác nhớ nhung và lo lắng cho người thân, đặc biệt là con cái. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng lao động ở TP.HCM nhưng vẫn phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, thậm chí có người chấp nhận xa vợ, con vì thu nhập không đủ để nuôi cả gia đình tại thành phố.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân)
ẢNH: L.H
Theo ông Nghiệp, hiện nay tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, cơ hội việc làm tăng cao. TP.HCM có nhu cầu lao động rất lớn, điển hình như tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam.
Trong khi đó, tại các địa phương cũng phát triển rất nhanh các khu công nghiệp, cơ hội việc ngày càng nhiều, mức lương tối thiểu vùng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận không chênh lệch quá lớn. Vì vậy, nhiều người lao động có xu hướng chọn làm việc ở quê để có cuộc sống ổn định hơn và gần gũi gia đình hơn.
Để giữ chân người lao động, theo ông Nghiệp, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội với giá bán hợp lý, thay vì chỉ tập trung vào hình thức cho thuê. Bởi lẽ, nếu chỉ thuê nhà, người lao động vẫn cảm thấy bấp bênh, không có sự gắn kết lâu dài với thành phố và dễ dàng chuyển đi khi tìm được công việc tốt hơn ở nơi khác.
Trong khi đó, nếu có một nơi ở ổn định, họ có thể đưa cả gia đình lên thành phố, con cái được học hành tốt hơn, cuộc sống dần đi vào quỹ đạo. Khi không còn phải lo lắng về nhà ở, người lao động có thể "an cư lạc nghiệp", chuyên tâm làm việc, đầu tư cho tương lai con cái và thậm chí gắn bó lâu dài với TP.HCM.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Tân Thanh Container (TP.Thủ Đức), cho rằng hiện nay, mức lương của người lao động còn thấp, nhiều công nhân vẫn đang chật vật lo cơm áo hằng ngày chứ không dám mơ tới việc sở hữu nhà.
Do đó, theo ông Hùng, công đoàn cấp trên cơ sở và nhà nước cần có giải pháp để cải thiện mức lương cho người lao động, giúp họ có thu nhập tốt hơn và có cơ hội tích lũy.
Riêng TP.HCM cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, không chỉ để bán với giá ưu đãi mà còn có phương án cho thuê với mức giá hợp lý. Điều này sẽ giúp người lao động ổn định chỗ ở, yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với thành phố.
Định hướng chính sách tuyển dụng, nguồn nhân lực hợp lý
Ông Bùi Vũ Thanh Phương, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP US Pharma USA (H.Củ Chi), phản ánh tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trên tuyến quốc lộ 22, đặc biệt là đoạn từ ngã tư An Sương. Việc ùn tắc này cũng ảnh hưởng đến thời gian công nhân đi làm.

Ông Bùi Vũ Thanh Phương, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP US Pharma USA (H.Củ Chi)
ẢNH: L.H
Vì vậy, ông Phương cho rằng TP.HCM cần có các giải pháp hạ tầng như xây cầu vượt, hầm chui... để cải thiện giao thông, nhất là cửa ngõ phía tây, giúp người lao động đi lại thuận tiện hơn và nâng cao hiệu quả công việc.
Ngoài ra, ông Phương cho biết hiện nay dù có nhu cầu tuyển dụng cao, nhưng công ty lại gặp khó khăn trong việc tìm đủ nhân lực. Có những trường hợp người lao động sau khi được công ty đào tạo xong thì được gọi đi nghĩa vụ quân sự. Ông Phương đề xuất TP.HCM cần định hướng lại, ví dụ như chỉ cho phép tuyển dụng những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự để tránh tình trạng gián đoạn nguồn nhân lực.

Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Song Ngọc
ẢNH: L.H
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Song Ngọc (Q.Bình Tân), cho rằng hiện nay các doanh nghiệp như dệt may, da giày, điện tử ở TP.HCM đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông.
Do đó, TP.HCM cần hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động, như điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, vì chi phí sinh hoạt ở TP.HCM cao nhất cả nước, không thể áp dụng chung một mức giảm trừ như các địa phương khác.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá cao những hoạt động của Công đoàn TP.HCM, đặc biệt trong việc chăm lo tết cho đoàn viên và người lao động. Qua đó, ông đề nghị những cán bộ công đoàn và công nhân tiêu biểu tiếp tục phát huy vai trò của mình để đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đánh giá cao các ý kiến của cán bộ công đoàn. Qua đó, ông đề nghị LĐLĐ TP.HCM ghi nhận, tổng hợp đầy đủ các ý kiến này, đồng thời nghiên cứu, làm việc với các bên liên quan để xem xét ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của công đoàn.
Bình luận (0)