Sáng 23.5, UBND TP.Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động thủ đô tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (H.Quốc Oai, Hà Nội).
Tại hội nghị, nhiều ý kiến công nhân đề nghị thành phố quan tâm đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ về điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội, hỗ trợ về chính sách vay vốn...
Anh Nguyễn Văn Nam (Công ty CP Hãng sơn Đông Á) cho biết sau khi khu đô thị Đặng Xá (H.Gia Lâm) được đầu tư thì nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không có thêm dự án nhà ở xã hội nào. Nhiều công nhân, viên chức, người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội mà không có nhà để mua.
Còn anh Phan Chí Thành (Công ty Canon Việt Nam) đề nghị thành phố yêu cầu chính quyền cấp xã, xí nghiệp quản lý nhà… tạo điều kiện xác nhận các giấy tờ cần thiết để được thuê nhà.
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thành phố đã xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội. Hiện nay, trên địa bàn đang triển khai 58 dự án phát triển nhà ở xã hội với 60.000 căn hộ.
Thành phố cũng lập chủ trương đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô khoảng 270 ha và đã trình sang Sở KH-ĐT thẩm định được 4/5 dự án. Khi các dự án này triển khai, sẽ có thêm nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động.
Đối thoại với người lao động, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng nhà ở rất quan trọng, có an cư mới lạc nghiệp. Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước và thành phố rất quan tâm. Tuy nhiên, việc triển khai nhà ở xã hội ở Hà Nội còn chậm.
Để tình trạng chậm triển khai nhà ở xã hội xảy ra, theo ông Thanh, ngoài một số nguyên nhân khách quan, thì là "lỗi của chúng ta, lỗi của lãnh đạo thành phố, UBND thành phố, các sở ngành, các quận huyện".
"Nhu cầu của người lao động mua, thuê mua cách xa với cung ứng của thành phố, xa lắm. Cần nhận thức như vậy. Tôi đề nghị Sở Xây dựng và các sở, ngành khác phải đau đáu vấn đề này, với tinh thần xử lý nhanh nhất, quyết liệt nhất để có quỹ nhà cung ứng cho công nhân, người lao động", ông Thanh nói.
Tiếp đó, người đứng đầu chính quyền TP.Hà Nội đề nghị trong năm 2024 và những năm còn lại của nhiệm kỳ 2021 - 2026, phải khởi công được các khu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội theo kế hoạch.
"Đã chậm rồi, nhưng phải cố gắng. Tôi nghĩ là làm được. Đây là món nợ, cần phải xác định đây là món nợ với người lao động, công nhân của thành phố", ông Thanh bày tỏ.
Nói về thủ tục mua nhà ở xã hội, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc này nên "mạnh dạn có niềm tin lẫn nhau", không thể vì một trường hợp gian dối rồi bắt cả triệu người phải theo quy trình chặt chẽ, mất rất nhiều thời gian, không xác nhận được.
"Để xác nhận được người này chưa từng mua nhà, chưa sở hữu nhà trên toàn Việt Nam này, khi mà chưa có số hoá thì mất bao công sức, tiền bạc, thời gian. Phải kiểm tra sau, phải tin công nhân, người lao động", ông Thanh nói, đồng thời cho biết, nếu Hà Nội cần cơ chế đặc thù thì nên nghiên cứu đề xuất. Còn với những trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm để không ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người khác...
Thiếu nhà ở cho công nhân là vấn đề bức xúc
Hà Nội hiện có trên 270.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Quý 1/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng. LĐLĐ thành phố đánh giá, mức thu nhập này chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
Thành phố có 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc; với 661 doanh nghiệp và khoảng 167.000 lao động; trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%).
Cạnh đó, thành phố có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (H.Đông Anh), Phú Nghĩa (H.Chương Mỹ) có dự án nhà ở, đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân, lao động thủ đô. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, do vậy khoảng trên 70% công nhân, người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư.
Theo LĐLĐ thành phố, vấn đề nhà ở cho công nhân còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động, là yêu cầu bức xúc hiện nay. Công nhân rất mong muốn được mua nhà ở xã hội với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.
Bình luận (0)