Chiều 28.6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp xúc cử tri H.Mê Linh và H.Sóc Sơn sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, cử tri Phạm Anh Tuấn (TT.Quang Minh, H.Mê Linh) cho biết, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đại biểu Quốc hội nên một số khó khăn, vướng mắc của huyện đã tồn tại nhiều năm đang dần được tháo gỡ. Theo đó, vấn đề giao đất dịch vụ trên địa bàn đã có cơ chế, chính sách giải quyết. Các dự án chậm triển khai đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, H.Mê Linh vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý.
Cụ thể, Khu công nghiệp Quang Minh (Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Đức làm chủ đầu tư; viết tắt là Công ty Nam Đức) có hệ thống đường giao thông, hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ. Mỗi khi mưa lớn, đường nơi đây ngập úng cục bộ, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân và công nhân, đặc biệt là học sinh.
Ngoài ra, đối với dự án khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh 1 vẫn chưa được triển khai. Việc này ảnh hưởng lớn đến nơi ăn, ở ổn định của công nhân làm việc tại khu công nghiệp.
Ngoài ra, đại diện cử tri xã Tráng Việt (H.Mê Linh) còn nêu một số kiến nghị về việc tăng số lượng hợp đồng cô nuôi, bảo vệ cho các trường mầm non…
Phúc đáp ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố rất có trách nhiệm khi trả lời, giải quyết các câu hỏi, vấn đề mà cử tri đặt ra. "Có việc làm được ngay, có việc có thời hạn hoàn thành nhưng cũng có những việc không thể ngày một, ngày hai. Điển hình như các vấn đề ở Khu công nghiệp Quang Minh", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, bản thân ông đã vài lần nghe cử tri đề cập đến việc tháo gỡ khó khăn, tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng đối với khu công nghiệp này. Tuy nhiên, ông Thanh đánh giá năng lực của Công ty Nam Đức không mạnh. "Có thể có trách nhiệm đấy nhưng không phải công ty mạnh. Tức là làm ăn cứ lờ vờ lờ vờ, không đâu vào đâu", ông Thanh nói.
Đề cập đến kiến nghị của cử tri về lĩnh vực giáo dục, ông Thanh cho biết, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu và thí điểm mô hình tự chủ một phần, tự chủ toàn phần. Khi đó, nhà nước đặt hàng phần nào thì trả tiền phần đó; phần nào mà phụ huynh có nhu cầu cao hơn thì phụ huynh chi trả.
"Học sinh mẫu giáo đi học theo gói tiêu chuẩn thì Nhà nước sẽ trả kinh phí còn trên tiêu chuẩn đó thì phụ huynh trả thêm. Như vậy sẽ kích thích chất lượng giáo dục cao hơn, đồng thời phù hợp nguyện vọng của các nhóm đối tượng khác nhau", ông Thanh bày tỏ.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, vừa rồi, khi định giá các dịch vụ như: nước, vệ sinh môi trường, giáo dục…, ông thấy Hà Nội thu giá dịch vụ ở mức thấp nhất theo quy định của Nhà nước.
"Toàn thu mức sàn. Còn chi ra cái gì cũng cao nhất. Chi của Nhà nước ra, hỗ trợ là ở mức cao nhất. Cho nên, khoảng trống giữa thu thấp nhất và chi cao nhất được ngân sách bù. Hà Nội đang bù khá nhiều tiền về chính sách, xã hội, an sinh, thậm chí cả về rác", ông Thanh nói.
Do đó, ông Thanh đề nghị cử tri và nhân dân thấu hiểu, chia sẻ khi thành phố điều chỉnh giá một số dịch vụ công trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn và có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bình luận (0)