Chủ tịch H.Đan Phượng nói về vụ Bộ Công an bắt 'cát tặc' trên địa bàn

18/12/2020 18:22 GMT+7

Sau khi Bộ Công an bắt quả tang 11 tàu "cát tặc " và 32 người liên quan, Chủ tịch UBND H.Đan Phượng (Hà Nội) cho rằng, nạn khai thác cát lậu không thể lộng hành khi lực lượng công an các cấp đẩy mạnh phối hợp truy quét.

Như Thanh Niên đã đưa tin, rạng sáng 14.12, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan bắt giữ 11 tàu hút cát và 32 người liên quan khi đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua địa phận H.Đan Phượng (Hà Nội).
Bước đầu ban chuyên án xác định nhóm người này lợi dụng đêm tối để khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Đáng chú ý, những tàu khai thác cát trái phép này phải thường xuyên trả tiền "bảo kê" cho một nhóm người khác.

Đang điều tra kẻ chủ mưu, bảo kê khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND H.Đan Phượng, cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, đây là vụ bắt "cát tặc" thứ 8 trên địa bàn. Trước đó, các năm 2018 và 2019, Công an H.Đan Phượng cũng bắt, xử lý 42 vụ việc liên quan đến "cát tặc" sông Hồng, truy tố 2 vụ.
Hồi tháng 5.2020, Công an H.Đan Phượng cũng phối hợp với Công an TP.Hà Nội bắt giữ gần 30 người khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua H.Mê Linh, H.Đan Phượng, Q.Bắc Từ Liêm. Trong vụ việc này, có đối tượng Hoàng Đức Phú là người H.Đan Phượng thuộc diện cần xử lý nghiêm, hiện công an vẫn tiếp tục làm rõ vụ việc. Sau đó, nạn "cát tặc" trên sông Hồng ở H.Đan Phượng có giảm đi, nhưng gần đây rộ trở lại và ngày 14.12 Bộ Công an đã bắt giữ 11 tàu cát như nói trên.
Cũng theo ông Hoàng, vụ việc Bộ Công an bắt 11 tàu "cát tặc" rạng sáng 14.12 là có sự phối hợp của Công an H.Đan Phượng, Công an TP.Hà Nội và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường.
Theo UBND H.Đan Phượng, cơ quan công an đã mời đại diện Phòng TN-MT các huyện liên quan là Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Yên Lạc (Vĩnh Phúc)… đến phối hợp xác định vị trí các tàu cát thời điểm bắt quả tang thuộc địa phương nào.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND H.Đan Phượng, cho rằng so với trước đây, nạn "cát tặc" ở địa phương này đã giảm nhiều

Ảnh CTV

Nói về công trình lán trại ở bãi sông Hồng thuộc địa bàn xã Trung Châu, nơi lực lượng công an thu giữ hơn 200 triệu đồng tiền mặt và 2 két sắt chưa kiểm đếm rạng sáng 14.12, Chủ tịch UBND H.Đan Phượng cho biết, khu đất bãi sông này đã giao cho một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, nhưng đến nay đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục. Đơn vị này đã nộp hàng chục tỉ đồng tiền thuê đất cho nhà nước nên dựng lán trại để bảo vệ. Cơ quan công an đang làm rõ mối liên hệ giữa nhóm "cát tặc" bị bắt và doanh nghiệp được thuê khu đất này.
Cũng theo ông Hoàng, trong số 32 người bị bắt rạng sáng 14.12, có một số người dân và tàu cát ở H.Đan Phượng, một số của H.Mê Linh, cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ.

Cần thành lập tổ công tác liên ngành xử lý "cát tặc" trên sông Hồng

Chủ tịch UBND H.Đan Phượng cho biết, trong kỳ họp HĐND TP.Hà Nội vừa qua, đã có kiến nghị phải thành lập tổ công tác liên ngành, trong đó chỉ đạo thống nhất là Công an TP.Hà Nội mới xử lý dứt điểm được nạn "cát tặc" trên sông Hồng, đoạn qua TP.Hà Nội.
Theo ông Hoàng, sông Hồng là vùng giáp ranh giữa Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… nên rất cần sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Ngay như ở H.Đan Phượng, sông Hồng có trên 10 km chảy qua địa bàn, là điểm giáp ranh giữa H.Yên Lạc (Vĩnh Phúc), Mê Linh, Đông Anh, Phúc Thọ, Q.Bắc Từ Liêm…

Khu lán trại thuộc địa bàn xã Trung Châu (H.Đan Phượng), nơi lực lượng công an bắt giữ một số người cùng hàng trăm triệu đồng liên quan đến hoạt động "bảo kê" khai thác cát trái phép trên sông Hồng vào ngày 14.12

Ảnh Đình Trường

Do vậy, nếu không có lực lượng liên ngành, liên địa phương cùng phối hợp xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, nếu chỉ một huyện siết chặt xử lý thì "cát tặc" lập tức chuyển vùng hoạt động sang huyện giáp ranh. Bên cạnh đó, do mốc giới địa lý nhiều điểm nằm ở giữa sông, chỉ khi dùng thiết bị định vị chuyên dụng mới xác định được tọa độ. Trong khi đó, ban đêm là thời điểm "cát tặc" hoạt động mạnh thì việc xác định mốc giới không dễ dàng để triển khai vây bắt, xử lý.
"Cát tặc" cũng thường có thủ đoạn là đi dọc sông, khi thấy thời cơ thuận lợi, thường là ban đêm, thì đưa vòi xuống hút cát. Chưa kể, phương tiện phục vụ tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng cấp huyện rất hạn chế, chỉ có chiếc xuồng nhỏ 4 chỗ, dù kiến nghị tăng cường nhiều lần nhưng chưa được đáp ứng. Đồng thời, "cát tặc" cũng bố trí theo dõi lực lượng ngay từ khi xuất phát đi làm nhiệm vụ nên càng khó khăn trong xử lý.
Bên cạnh đó, khó khăn nữa là chủ tàu thường không trực tiếp khai thác mà thuê người làm, nếu có bắt được thì cũng không dễ xử lý. Khi bắt cũng thường chỉ thu được máy, vòi, xẻng… khó thu giữ tàu là phương tiện có giá trị.
Chủ tịch UBND H.Đan Phượng cho rằng, để "cát tặc" không thể lộng hành, cần phát huy vai trò, sự phối hợp cụ thể của lực lượng liên quan đến tài nguyên môi trường, đặc biệt là ngành công an từ cấp huyện, cấp tỉnh, thành phố, thậm chí là Bộ Công an.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.