Sáng 10.5, HĐND TP.HCM giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm phát triển TP.HCM. Đây là buổi giám sát thứ 2 của HĐND TP.HCM về vấn đề này, lần trước vào năm 2020.
Báo cáo đoàn giám sát, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Trần Phú cho biết sau hơn 4 năm, HĐND TP.HCM đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, tổng diện tích đất trồng lúa là 1.843 ha và 1 nghị quyết hủy bỏ 1 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, qua đó rút ngắn thời gian khoảng 6 tháng so với trước đây.
Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Trần Phú báo cáo kết quả hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 54 |
nguyên vũ |
Về quản lý đầu tư, HĐND TP.HCM thông qua 3 nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức vốn đầu tư là 12.954 tỉ đồng và điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư 1 dự án từ nhóm B qua nhóm A.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một số nhiệm, quyền hạn; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức…
Dù vậy, các cơ chế về tài chính chưa được tận dụng tối đa, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2017 - 2020 giảm còn 18%.
Cụ thể, Nghị quyết 54 cho phép TP.HCM được hưởng 50% khoản tiền từ việc thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công của các đơn vị Trung ương trên địa bàn, nhưng mới chỉ có 2 nhà, đất được phê duyệt phương án và vẫn chưa tổ chức bán đấu giá, chuyển nhượng tài sản.
TP.HCM cũng chưa khai thác được nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc do thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Làm rõ nguyên nhân chủ quan
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 54.
Về quản lý đất đai, dù việc thực hiện Nghị quyết số 54 đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ nhưng các quy trình, thủ tục triển khai thực hiện tiếp theo còn chậm, chưa chuẩn bị tốt nên kết quả chưa đạt. Điển hình, có 31/32 dự án đều chưa hoàn thành tiến độ thực hiện, 1 dự án đã trình HĐND TP.HCM hủy bỏ danh mục thu hồi đất.
“UBND TP.HCM chưa kiên quyết trong việc ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo Luật Đất đai”, bà Lệ nhận định và đề nghị cần quan tâm rà soát việc này.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng cần phải rà soát để điều chỉnh, hủy bỏ dự án chậm triển khai |
sỹ đông |
Về quản lý đầu tư, cả 6 dự án nhóm A thực hiện theo cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 đều chậm tiến độ, đến nay sắp hết thời gian thực hiện dự án nhưng có 3 dự án chưa thực hiện; còn 3 dự án đang triển khai nhưng tiến độ còn chậm, chưa đảm bảo, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Về quản lý tài chính, ngân sách, UBND TP.HCM chỉ trình HĐND TP.HCM ban hành điều chỉnh 1 loại phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, nhưng số thu không nhiều, chủ yếu nhằm mục đích thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, doanh nghiệp…
Do đó, bà Lệ đề nghị cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa để kết nối nhà ga T3, cùng dự án Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ.
Đồng thời, rà soát lại tình hình thực hiện của từng dự án có thu hồi đất lúa trên 10 ha, xem xét tính khả thi, tính cần thiết tiếp tục thực hiện để đẩy nhanh tiến độ hoặc trình HĐND TP.HCM hủy bỏ danh mục nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Đối với những nội dung còn hạn chế, chưa thực hiện được hoặc chưa thực hiện đầy đủ, bà Lệ cho rằng cần phân tích và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan nhằm làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách mới để phát triển thành phố.
“Báo cáo của UBND TP.HCM chưa thấy nêu nguyên nhân chủ quan của thành phố. Cần phân tích những gì làm được, chưa được, việc gì cần điều chỉnh và thẳng thắn kiến nghị, đề xuất, kể cả điều chỉnh quy định pháp luật”, bà Lệ nói, đồng thời cho biết đây là cơ sở để kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới, tránh lặp lại những khó khăn, vướng mắc cũ.
Bình luận (0)