Hoạt động trong 2 lĩnh vực khó khăn nhất là du lịch và hàng không nhưng có cảm giác năng lượng của người đứng đầu Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ luôn tỷ lệ nghịch với những gì ông đang đối mặt. Bởi với doanh nhân này, muốn phát triển kịp với thời đại, đòi hỏi phải bước ra khỏi vùng an toàn. Bước ra để nhìn lại, đánh giá, tạo ra đường đi rõ hơn, xây dựng hướng đúng hơn.
Hành trình suốt 3 thập niên của Vietravel với những giá trị mang dấu ấn đậm nét của người đứng đầu chính nhờ ông luôn chủ động bước ra khỏi vùng an toàn và đón nhận thử thách...
"Hành trình tuổi 30 của Vietravel" có gì khiến ông hào hứng đến như vậy?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Đúng là rất hào hứng. Chúng tôi đã trải qua hành trình tuổi 20 (2014 - 2024) rực rỡ với khẩu hiệu "sức trẻ vươn lên". Năm nay kết thúc 10 năm "hành trình là người tiên phong", cũng là 10 năm kể từ khi Vietravel cổ phần hóa và 5 năm lên sàn. Ở một dấu mốc lớn như vậy, chúng tôi phải hướng tới mục tiêu cho 10 năm tới. May mắn là 3 mục tiêu lớn nhất trên hành trình tuổi 30 của Vietravel lại hoàn toàn trúng với những định hướng, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể là gì, thưa ông?
Doanh nghiệp xanh - Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp kết nối.
Đầu tiên nói về Doanh nghiệp (DN) xanh. Giờ đi đâu người ta cũng nói câu chuyện xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh. Thật ra, từ 2013, Vietravel đã theo đuổi "Go Green". Chúng tôi đã phát động cũng như tổ chức các lễ ra quân lần lượt trên khắp các tỉnh thành, từng bước thực hiện các cam kết của mình bằng những việc làm thiết thực nhất như phát túi ni lông tự hủy cho khách hàng trên các đường tour của mình đi khắp cả nước; tổ chức dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác tại các điểm nóng du lịch… Thế nhưng hành trình này chưa thành công do nhiều lý do, từ cả chính sách chung và nhận thức của mọi người.
Cho đến khi Thủ tướng Chính phủ cam kết tại COP 26 sẽ giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, chúng tôi biết "thời tới rồi". Chúng tôi sẽ dùng chỉ số "dấu chân carbon" để đánh giá toàn bộ hệ sản phẩm của mình, đo bằng mức độ phát thải từ khâu vận chuyển, lưu trú, ăn uống… đến các hoạt động vui chơi, giải trí… từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất để giảm phát thải.
Thứ hai là DN số. Nói về chuyển đổi số thì tôi tự tin Vietravel là DN tiên phong trong ngành du lịch Việt Nam. Chúng tôi đã số hóa từ những năm 2006 - 2007 khi ra mắt hệ thống bán trên nền tảng online, lúc đó còn khá mới trên thị trường Việt Nam. Chính bước đi này của Vietravel đã làm thay đổi toàn bộ bức tranh của các công ty du lịch trong nước. Họ đã phải xây dựng series booking - hệ thống bán sẵn, bán trước trên mạng để khách có thể tiện sắp xếp lịch trình. Giờ này, không ai có thể tưởng tượng một công ty du lịch mà không có hệ thống bán hàng trên mạng. Trên thế giới, rất nhiều DN đã tiến thêm bước nữa, chuyển đổi thành một ứng dụng hoặc một nền tảng OTA. Đây cũng là định hướng của Vietravel, chuyển hóa dần mạng lưới của mình thành OTA, đa chiều, đa không gian, đa quốc gia. Nghĩa là số hóa toàn bộ các hoạt động để nhanh nhất, tiện lợi nhất cho khách hàng và cho chính chúng tôi trong vận hành quản lý. Tôi hay nói vui rằng mục tiêu là đưa toàn bộ dịch vụ đến tận giường ngủ của khách.
Thứ ba là Vietravel phải xây dựng được một hệ sinh thái tuần hoàn trên cơ sở kết nối các cấu phần, thành phần của du lịch. Đây là 3 chiến lược cụ thể để biến Vietravel từ "nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp" chuyển hóa thành người kiến tạo ra giá trị sống cho xã hội. Trong đó, DN số sẽ là điểm đột phá, tạo hạ tầng, hệ thống. Nếu làm tốt cái này sẽ giải quyết luôn được cả xanh và kết nối.
Năm 2021 ngay lúc đại dịch Covid-19 căng thẳng nhất, ông "khai sinh" Vietravel Airlines. Giờ kinh tế đang khó khăn ông lại lên chiến lược lột xác Vietravel thành "người kiến tạo giá trị sống cho xã hội", có vẻ ông luôn tự làm khó mình hay khủng hoảng là "khẩu vị" của ông?
Khủng hoảng nghĩa là kết thúc cái cũ và ra đời cái mới, nên đòi hỏi phải có những cái nhìn mới. Sau đại dịch là một xã hội hoàn toàn mới: nhanh, an toàn và chất lượng cao. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lại rất logic. Bởi ai cũng cảm thấy cuộc sống quá quý giá và vô thường khiến người ta không còn thời gian để suy nghĩ, cân nhắc quá nhiều. Thế nhưng cũng vì thế, sự an toàn phải đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, nhu cầu tiếp xúc với xã hội, nhu cầu mở rộng giao tiếp và khả năng tiếp cận giảm đi rất nhiều, thay vào đó là tính chuyên biệt hóa, cá nhân hóa. Điều này rất lạ và chỉ có đại dịch mới tạo ra chuyện đó. Rõ ràng, nếu không bắt kịp nhanh sẽ bị bỏ lại và có người khác thay thế ngay. Thậm chí, phải đi trước. Anh không thể ngồi chờ khách nếu yêu cầu đi chỗ này, thích cái kia rồi mới xây dựng sản phẩm mà phải làm sẵn, tạo trend để thu hút họ. Mình không được đi cùng nữa mà phải bước trước. Nửa bước cũng được, nhưng phải đi trước.
Mà muốn đi trước thì đòi hỏi mình phải bước ra khỏi vùng an toàn. Vùng an toàn ở đây là gì? Là cái thành tích mình đã đạt được, cái vị trí trên thị trường cũng như trong lòng khách hàng mà mình đã đạt được. Phải bước ra ngoài để nhìn lại, đánh giá, tạo ra đường đi rõ hơn, xây dựng hướng đúng hơn.
Vậy ông đã "bước ra khỏi vùng an toàn" như thế nào?
Đó chính là vế thứ ba trong chiến lược của Vietravel mà tôi đã nói ở trên.
Bản chất đi du lịch là dùng hệ thống dịch vụ rất rộng. Nếu anh kết nối được nó trong một hệ sinh thái kinh doanh tuần hoàn thì tự nhiên anh sẽ có giá trị. Vì thế, anh phải chủ động đứng ra, chủ động kết nối tạo thành hệ sinh thái kinh doanh để khách hàng sử dụng ai thì đều có anh trong đó.
Đơn cử, Vietravel chủ động mời VinFast hợp tác sử dụng xe điện 30 - 45 chỗ để giảm phát thải. Chúng tôi đưa ra một tour xuyên Việt từ Bắc vào Nam với 7 chặng tour vận chuyển đa phương thức, bao gồm đi bằng đường sắt, đường bộ, đường hàng không và đường thủy. Tour bán trong 2 năm, khách có thể đi bất cứ lúc nào. Rảnh thì mua một đoạn trong năm, đi dần dần trong 2 năm hết hành trình xuyên Việt. Trong đó, đường bộ VinFast đảm nhận giùm, máy bay là Vietravel Airlines, tàu hỏa chúng tôi cũng đã bàn với Tổng công ty đường sắt Việt Nam, đã làm thử chặng Huế - Đà Nẵng rồi và thành công, đang bàn kết hợp tiếp một số chặng nữa. Tương tự, về ẩm thực, chúng tôi đã cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam lên kế hoạch số hóa bản đồ ẩm thực Việt Nam ở từng vùng, từng khu vực. Trên cơ sở đó, khách có thể kết nối và đến tận nơi thưởng thức ẩm thực khắp các vùng miền. Vietravel cũng đang bàn với các đối tác về mua sắm, quà lưu niệm để thêm giá trị cộng hưởng cho du khách.
Rõ ràng, nếu có một ứng dụng kết nối cả ẩm thực, di chuyển, vui chơi, lưu trú, thì khách hàng sử dụng dịch vụ của Vietravel cũng tiếp cận chuỗi giá trị du lịch một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, rẻ nhất. Như lúc nãy cô đi tới đây (trụ sở Vietravel - NV), nếu cô đi bằng Xanh SM thì sẽ nhận được một số lựa chọn giảm giá của Vietravel.
Nghĩa là chúng ta dựa vào nhau, cùng kết nối với nhau để phục vụ khách. Tất cả các đơn vị trong hệ sinh thái du lịch đều có mặt trong hành trình đó, đều được hưởng lợi.
Tôi còn nhớ trong buổi trò chuyện năm ngoái cũng trong dịp này, ông tỏ ra khá mệt mỏi, nếu không muốn nói là chán nản vì "làm hàng không thì tơi tả". Còn bây giờ, dường như "người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn" mà ông từng nói đã trở lại?
Khi DN đã kiệt lực, sóng cứ từng lớp vỗ ào ào thì cô bảo làm sao lạc quan được? Ai cũng có lúc rơi vào trạng thái trì trệ thôi.
Thế nhưng, hết nhiên liệu thì nạp vào rồi bật dậy bay tiếp, chứ sao nằm sân đỗ mãi được. Tôi gọi đây là công thức rút đáy, bắt nguồn từ hình tượng bể nước khi cứ lình xình mãi không có sóng, muốn tạo đột biến thì phải một lần rút nước dưới đáy ra, để tạo thành xoáy nước. Nghĩa là mình phải có giải pháp đột phá để thay đổi. Vietravel được nhắc đến như là một DN dẫn đầu ngành, nhưng nếu không còn sức lan tỏa nữa thì cũng vẫn bị bỏ lại, xếp vào trong kho.
Năm 2006, mình đã tiên phong tạo ra được hệ thống series booking, tạo cảm hứng cho cả ngành du lịch. Vậy, trong 10 năm tới, Vietravel sẽ làm được gì? Sẽ là ai trong một xã hội đang chuyển đổi nhanh như thế này? Đâu là vai trò của mình? Mình phải tìm được mục tiêu, mà mục tiêu đó phải đủ lớn, đủ xa, đủ cao để mình phấn đấu, nhưng tất nhiên là không viển vông. Phải tìm ra được sứ mệnh, khoác nó lên người để tìm ra vai trò của mình.
Và ông trả lời chính các câu hỏi đó như thế nào? Ông đã tìm được sứ mệnh của mình chưa? Vietravel sẽ làm gì trong xã hội đang chuyển đổi nhanh thế này?
Cách đây khoảng 2 - 3 tuần tôi đọc được một bài báo, có ý này rất hay: Sau 38 năm Việt Nam đổi mới, chúng ta chưa có một DN, một tập đoàn nào lớn đến tầm cỡ thế giới, để thế giới phải dùng sản phẩm của mình một cách thường xuyên. Trong khi đó, với thời gian mở cửa 30 năm thì Nhật Bản đã có Toyota, Hitachi, Mitsubishi, Honda… Hàn Quốc 30 năm cũng rất nhiều tập đoàn lớn mà bất kỳ người Việt nào cũng có thể kể tên. Trung Quốc 30 năm còn "khủng khiếp" hơn nữa. Họ tạo ra được những tập đoàn cực kỳ lớn và vượt lên thành nền kinh tế đứng số 2 thế giới. Sản phẩm của họ đi khắp toàn cầu.
Gần đây chúng ta mới có VinFast bước ra thế giới vẫn còn mới mẻ. Còn lại, đa số những DN khác thì "vươn tầm thế giới" theo kiểu phong trào, lẻ mẻ, không có tính đầu tư và ghi được tên tuổi thật sự trên trường quốc tế. Điều đó cho thấy các DN Việt Nam bản chất vẫn bị phân tán, chưa quy tụ được thành tệp lớn. Khát vọng thì có nhưng hành động thì chưa thực sự xứng tầm. Nếu không có bước đi cụ thể thì việc trở thành DN toàn cầu sẽ chỉ là giấc mơ viễn tưởng với các DN Việt.
Trở lại câu chuyện của chúng tôi. Dự báo 85% khách du lịch di chuyển bằng máy bay và khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm của toàn cầu về du lịch, hàng không. Nếu Vietravel muốn trở thành hãng lữ hành tầm cỡ châu lục thì mình phải làm gì? Con đường đi của mình phải thế nào?
Ở thời điểm hiện tại, dân số Việt Nam đã lên đến hơn 100 triệu người mà chỉ có được 4 hãng hàng không, cộng hết máy bay lại mới được 200 chiếc. Trong khi, chỉ một công ty du lịch Trung Quốc đã sở hữu một hãng bay 117 chiếc. Rất nhiều tập đoàn du lịch lớn trên thế giới cũng phải có hãng hàng không riêng để tiếp cận thị trường nhanh nhất.
Trước đây, Vietravel đã phải thuê máy bay để làm chuyện đó. Ví dụ, chúng tôi "đánh" trực tiếp vào Phuket (Thái Lan), vào Bali (Indonesia), Fukushima (Nhật Bản), Jeju (Hàn Quốc), vào Đài Loan… 1 năm bay cả trăm chuyến charter như thế. Nhưng đi thuê thì lúc có lúc không, đâu phải lúc nào cũng có máy bay sẵn. Mà phụ thuộc thì làm sao chủ động tiếp cận thị trường? Làm sao có thể chuẩn hóa hệ thống dịch vụ theo đúng thông điệp mình đưa ra? Điều này đòi hỏi mình phải tính toán, sắp xếp để tạo ra được giá trị mới cộng thêm.
Tôi xin nhấn mạnh Vietravel không thành lập hãng hàng không thương mại mà chúng tôi lập hãng hàng không du lịch, nhằm tạo nên một hành trình trọn vẹn trải nghiệm văn hóa bản địa. Khi xây dựng kế hoạch như thế thì Vietravel Airlines là mảnh ghép không thể thiếu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng nước đi của Vietravel là đúng. Chỉ là xui khi gặp 2 năm đại dịch. Vietravel Airlines đã phải cố gắng "kinh khủng" để duy trì được đến ngày hôm nay. Chúng tôi rất phấn khởi khi tỷ lệ đầy chỗ của Vietravel lúc nào cũng đạt 90%. Các chuyến bay đêm charter đi nước ngoài cũng rất năng suất. Đó là sự động viên rất lớn. Chính những điều này giúp hoạt động du lịch của mình mở rộng ra, biến Vietravel từ một hãng du lịch của Việt Nam trở thành hãng du lịch của châu Á thật sự. Vietravel Airlines bay đến đâu, mọi người biết Vietravel tới đó.
Nghe như ông đang "bất chiến tự nhiên thành" trong mục tiêu đưa Vietravel trở thành tập đoàn du lịch tầm vóc quốc tế?
Vietravel chỉ là một DN lữ hành nhưng phạm vi kinh doanh lại ảnh hưởng bởi nước ngoài rất nhiều. Ngoài thị trường trong nước, chúng tôi còn đưa người Việt đi nước ngoài và đón khách từ nước ngoài về Việt Nam. Thị trường mở ra rất lớn và một cách tự nhiên bắt buộc anh phải bước ra với thế giới.
Dù ra biển lớn theo một cách đặc thù nhưng từng cá nhân cán bộ, công nhân viên của công ty nhờ đó mà trưởng thành hơn, thay đổi suy nghĩ, dựng nên được thế hệ mới. Tôi tự tin rằng Vietravel sẽ có tên trân trọng trong lịch sử các hãng lữ hành của Việt Nam. Quá trình đóng góp thế nào, tạo cảm hứng, lan tỏa làm sao… Đó vừa là sự lãng mạn, vừa là giá trị mà mình mang lại cho cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tất nhiên nếu không làm hàng không thì đến giờ này Vietravel vẫn "sống khỏe", nhưng giá trị mà mình mang lại cho cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn nhiều là chỉ bản thân "sống khỏe".
Bình luận (0)