Chủ tịch nước: Biến thách thức của đại dịch Covid-19 thành cơ hội phát triển

23/09/2021 08:45 GMT+7

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch Covid-19 ", song ông nhấn mạnh cần phải biến thách thức thành cơ hội phát triển.

Hồi chuông cảnh báo khẩn cấp

Chiều 22.9, theo giờ New York (tức rạng sáng 23.9 giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn trọng thể này.
Cho rằng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay họp mặt trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành trên toàn cầu, Chủ tịch nước nhấn mạnh đại dịch Covid-19 là “hồi chuông cảnh báo khẩn cấp” về sức tàn phá khủng khiếp của các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh hay biến đổi khí hậu.

Chủ tịch nước phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc: Biến thách thức thành cơ hội

Bên cạnh đó, đại dịch cũng làm bộc lộ rõ hơn bao giờ hết những hạn chế, bất cập sâu sắc của hệ thống quản trị toàn cầu, cũng như tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, đại dịch không phải là thách thức lớn nhất và duy nhất khi hệ thống quan hệ quốc tế đang bị phân tán, chia rẽ và bất ổn dưới tác động của gia tăng căng thẳng giữa các nước lớn; chiến tranh vẫn đang cướp đi bao sinh mạng vô tội, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên ở nhiều khu vực có nguy cơ bùng phát.
"Bên cạnh đó là các hành động phớt lờ luật pháp quốc tế, cưỡng ép đơn phương, cản trở các nước thực hiện quyền hợp pháp vẫn diễn ra ở nhiều khu vực", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu

Khẳng định "nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu", Chủ tịch nước cho rằng để sớm đẩy lùi Covid-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vắc xin cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vắc xin.
Bên cạnh đó, để vượt qua được đại dịch và phục hồi kinh tế thì nhân tố quan trọng hàng đầu là sự nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, tự cường trong phục hồi kinh tế chỉ có thể mạnh mẽ và bền vững khi dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các quốc gia.
Chủ tịch nước cũng đề nghị "cần biến các thách thức thành những cơ hội cho phát triển".
Ông cho rằng khi đời sống xã hội, phương cách sản xuất, kinh doanh phải thay đổi trong đại dịch thì đó là cơ hội để chuyển đổi số, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và sức tự cường của nền kinh tế.
"Đó cũng là cơ hội để chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển bền vững và cũng là cơ hội để tiếp tục thuận lợi hoá đầu tư, thương mại, hợp tác lưu chuyển hàng hoá, con người, duy trì các chuỗi cung ứng toàn cầu", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cho rằng, Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững là một khuôn khổ tốt để nắm bắt những cơ hội mới và cũng đòi hỏi chúng ta tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác.
"Chúng tôi kêu gọi các nước thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính cho phát triển, hỗ trợ các nước đang phát triển được giãn nợ, cung cấp thêm nguồn lực cho phòng chống Covid-19 và phục hồi, biến cơ hội thành những thành quả phát triển", Chủ tịch nước phát biểu, đồng thời nhấn mạnh vai trò đi đầu của các nước phát triển trong nỗ lực cắt giảm phát thải; đề cao trách nhiệm hỗ trợ cho các nước nghèo, nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để giảm phát thải, thích ứng, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hướng tới chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Chiến thắng vĩ đại của tất cả chúng ta

Người đứng đầu nhà nước Việt Nam cũng cho rằng, điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải bảo đảm được môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.
"Việt Nam kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, chấm dứt tất cả các hành động bạo lực, bảo vệ thường dân, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo tại các vùng xung đột", Chủ tịch nước nhấn mạnh và khẳng định, tại diễn đàn, Việt Nam bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba, kêu gọi chấm dứt bao vây, cấm vận đơn phương đối với Cuba.
Chúng tôi mong tình hình Afghanistan sớm ổn định để người dân Afghanistan, nhất là phụ nữ và trẻ em, được sống trong hoà bình. Chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine và giải pháp hai nhà nước để thành lập một Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel, Chủ tịch nước bày tỏ.
Chia sẻ về tình hình Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khát vọng của dân tộc Việt Nam xây dựng đất nước hùng cường, với nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân, khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí quật cường, khối đại đoàn kết và phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của toàn dân tộc.
Ông cũng khẳng định, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.  
"Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc. Đó sẽ là chiến thắng vĩ đại của tất cả chúng ta", Chủ tịch nước khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.