Biến đổi khí hậu đang định hình tương lai nhân loại
Trưa 23.9 giờ New York (tối ngày 23.9 giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về an ninh khí hậu.
Tham dự Phiên họp có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, các nguyên thủ, thủ tướng và đại diện cấp cao các nước thành viên Hội đồng Bảo an.
Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Bảo an và các đại biểu đều tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hòa bình và an ninh quốc tế, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, tạo đột phá trong thích ứng và nâng cao khả năng tự cường của các quốc gia và cộng đồng dân cư.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước phát triển thực hiện đúng cam kết đóng góp 100 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho Quỹ Khí hậu xanh, đồng thời nhấn mạnh kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương nhằm giải quyết thách thức đan xen về khí hậu và an ninh, tận dụng tính bổ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động thích ứng khí hậu và xây dựng hoà bình.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh biến đổi khí hậu là thách thức to lớn trên toàn cầu và đang định hình tương lai của nhân loại.
Theo ông, tác động khốc liệt hiện hữu của biến đổi khí hậu ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới.
3 nhóm giải pháp
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước đưa ra khuyến nghị về ba nhóm giải pháp mà Hội đồng Bảo an nói riêng và Liên Hiệp quốc nói chung cần quyết liệt hành động trong thời gian tới.
Theo đó, ông đề nghị, Hội đồng Bảo an cần đi đầu xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó, để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu.
Ông đề xuất sáng kiến thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của tình trạng nước biển dâng.
Thứ hai, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hoà mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo.
Thứ ba, Chủ tịch nước đề nghị cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các thoả thuận quốc tế lớn khác.
"Chúng ta cần quyết tâm cắt giảm khí nhà kính, trong đó các nước phát triển cần tiên phong cắt giảm mạnh mẽ. Đồng thời cần dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và tri thức để không quốc gia nào tụt lại phía sau trong cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu”, ông nói.
Chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thiên tai dồn dập đã gây nhiều tổn thất về người và của, Chủ tịch nước khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít cacbon.
Chủ tịch nước cũng đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan về ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác.
Bình luận (0)