Tại các cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng việc hai nước vừa tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới là minh chứng rõ nét cho sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chủ tịch nước đánh giá cao sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Đồng thời, khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn tăng cường, phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản toàn diện và sâu sắc hơn nữa, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro và Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa hoan nghênh, đồng thời bày tỏ vui mừng được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản, vào dịp hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro bày tỏ vui mừng trước những phát triển vượt bậc và thực chất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua; khẳng định Quốc hội Nhật Bản ủng hộ hai nước nâng cấp quan hệ, đồng thời sẽ phát huy vai trò tích cực trong việc cụ thể hóa các nội dung hợp tác trong khuôn khổ quan hệ mới.
Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa chia sẻ ấn tượng sâu sắc về sự phát triển tích cực của Việt Nam mà ông cảm nhận được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 9 vừa qua; khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nhật trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường giao lưu, hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp của hai nước trong thời gian tới.
Bên cạnh các cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham quan Thư viện Quốc hội Nhật Bản (NDL), một trong những thư viện lớn nhất trên thế giới. Thư viện được thành lập vào năm 1948 với mục đích hỗ trợ các thành viên Quốc hội trong việc nghiên cứu các vấn đề về chính sách công.
Thư viện Quốc hội bao gồm hai cơ sở chính ở Tokyo và Kyoto và một số chi nhánh trên khắp Nhật Bản. Năm 1949, Thư viện Quốc hội Nhật Bản sáp nhập với Thư viện Quốc gia (trước đây là Thư viện Hoàng gia) và trở thành thư viện quốc gia duy nhất tại Nhật Bản với trên 1 triệu tập sách.
Bình luận (0)