Sáng 5.9, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Gia Lai. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long…
Theo UBND tỉnh Gia Lai, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có khoảng 759 trường mầm non, phổ thông với khoảng 410.300 học sinh. Trong đó, mẫu giáo có 81.100 trẻ, bậc tiểu học có 172.000 học sinh, trung học cơ sở có 108.200 học sinh và trung học phổ thông có 49.000 học sinh.
Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 93,0%, tiểu học đạt 99,9%, trung học cơ sở đạt 94,7% và trung học phổ thông đạt 58,1%. Số trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt chuẩn quốc gia là 449/761 trường, đạt 59,0%.
Chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã đầu tư hơn 372,8 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất và hơn 780,7 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học.
Ông Võ Thành Nguyên, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai, cho biết năm học 2023-2024, toàn trường có 400 học sinh, đa số là người Jrai, Ba na. Liên tục trong 12 năm học qua, nhà trường luôn giữ thành tích với 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Hàng năm, nhà trường luôn có đội tuyển tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh.
Coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã biểu dương, chúc mừng những thành tích mà Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thời gian qua. Thành tích đạt được của trường những năm qua đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh Gia Lai, khẳng định mô hình trường công lập chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số.
Theo Chủ tịch nước, việc thành lập hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng và coi trọng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung là một chủ trương sáng tạo, thể hiện tư duy chiến lược, sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, với mục tiêu tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Thực hiện tốt chủ trương này sẽ tạo được nền tảng vững chắc để góp phần chăm lo cho đồng bào dân tộc, là con đường để thoát đói nghèo, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cho hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Thầy cô cần khơi gợi khả năng tiềm ẩn trong mỗi học sinh
"Do xuất phát điểm, điều kiện sống của nhiều em không được thuận lợi như học sinh vùng miền xuôi, thành thị. Vì thế, cùng một chương trình giáo dục, nhà trường và các cô giáo, thầy giáo phải rất coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phải kiên trì, bền bỉ, chắc chắn, với phương pháp sư phạm phù hợp nhất, giúp các em bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt, không chạy theo điểm số, thành tích, học đến đâu chắc đến đó. Thực tế cho thấy, mỗi cá nhân đều có năng lực riêng biệt. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là phải sớm phát hiện ra năng khiếu, sở trường của từng học sinh trên các lĩnh vực, trên cơ sở đó có cách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho hợp lý, gắn với việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phù hợp với năng lực, điều kiện sống của các em sau này", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị nhà trường coi trọng giữa học và hành; tổ chức cho các em tích cực lao động, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống hằng ngày, biết giữ gìn và làm đẹp cảnh quan nhà trường… Từ đó, giúp học sinh nhận thức rõ hơn trách nhiệm với tập thể, nâng cao tính kỷ luật, củng cố kiến thức, hình thành và rèn luyện kỹ năng sống. Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, ăn ở nội trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước đối với học sinh, khẳng định sự ưu việt của mô hình cơ sở giáo dục phổ thông dân tộc nội trú, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót.
"Phải không ngừng chăm lo, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần thiết thực của các em. Mỗi thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động trong trường phải hết lòng vì học sinh thân yêu, thương yêu học sinh như con em của mình, chăm lo chu đáo cho các em từ việc học tập đến bữa ăn, giấc ngủ, nhất là khi các em xa gia đình", Chủ tịch nước phát biểu.
Chủ tịch nước đề nghị tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai chủ động nghiên cứu, tích cực tham mưu cho cấp ủy, Ban giám hiệu tổ chức tốt các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các loại hình câu lạc bộ, đội nhóm, hoạt động ngoại khóa... có chất lượng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu của giới trẻ, với điều kiện của trường.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các bậc phụ huynh và nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục dành sự quan tâm thiết thực, đầu tư thích đáng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nói chung và các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú nói riêng. Phải xây dựng cho được môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, an toàn, để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc, được phát huy tối đa năng lực sáng tạo cá nhân, góp phần quan trọng thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng 10 suất quà cho các học sinh Trường PTDTNT tỉnh Gia Lai, tặng 100 triệu đồng cho quỹ khuyến học của tỉnh Gia Lai.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tặng tỉnh Gia Lai 20 tỉ đồng để hỗ trợ xây trường, khu bán trú và bếp ăn cho học sinh vùng khó.
Cũng trong sáng 5.9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Nhà xuất bản Giáo dục tặng tỉnh Gia Lai 190.000 bộ sách giáo khoa để cấp phát cho học sinh vùng khó, học sinh dân tộc thiểu số và tủ sách dùng chung.
Bình luận (0)