Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM, các Sở: Nội vụ, Tư pháp, KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng, VH-TT…
Mở đầu buổi họp báo, ông Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về nguyên tắc đưa vào kỳ họp thứ 5 với điều kiện hoàn thiện hồ sơ, dự thảo nội dung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, TP.HCM, Bộ KH-ĐT và các bộ ngành.
Dù vậy, muốn trình Quốc hội thì phải đảm bảo trình tự, thủ tục và chất lượng. TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo làm ngày làm đêm để chuẩn bị. Đến sáng nay (18.5) hoàn thiện hồ sơ.
Tại buổi họp báo, PV Báo Thanh Niên đặt câu hỏi về tính cần thiết của nghị quyết mới đối với sự phát triển của TP.HCM; đồng thời với các chính sách được đề xuất trong nghị quyết mới, TP.HCM đánh giá đã đủ để tháo gỡ vướng mắc đang đối mặt, cũng như đủ tạo động lực mới để phát triển hay chưa...
"Một bộ phận cán bộ, công chức e dè, ngại trách nhiệm, nhưng không phải tất cả"
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ rằng, hiện nay có một bộ phận cán bộ còn e dè, thiếu sự năng động, ngại trách nhiệm nhưng đó không phải là tất cả hệ thống.
Thời gian qua, TP.HCM đã và đang có nhiều biện pháp để động viên cán bộ, công chức, từ công tác tư tưởng chính trị; các chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập; đến các biện pháp phê bình, nhắc nhở, kỷ luật…
"UBND TP.HCM có rà soát lại, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, công chức. Tôi tin rằng trước những thách thức lớn, chúng ta sẽ nỗ lực để phấn đấu vượt qua, từ đó cùng chung tay đưa thành phố phát triển.
Đông đảo cán bộ, công viên chức và người dân TP.HCM vẫn đang trong tâm thế đó. Với những cán bộ thiếu năng động, ngại trách nhiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, có biện pháp hỗ trợ để thay đổi hoặc buộc phải bước ra khỏi hệ thống", ông Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ về tính cần thiết của cơ chế vượt trội phát triển TP.HCM
Về tính cần thiết của nghị quyết mới đối với sự phát triển của TP.HCM, ông Phan Văn Mãi cho hay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, TP.HCM tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo;
Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao.
Việc chậm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: nguyên nhân do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, TP.HCM dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm TP.HCM chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thực tế TP.HCM không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết.
Vì vậy, việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết.
TP.HCM phát triển để đóng góp nhiều hơn cho cả nước
Trao đổi với báo chí về những cơ chế mới cho TP.HCM sẽ lan tỏa đến cả nước như thế nào, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh các cơ chế tạo sự phát triển đột phá cho TP.HCM, giúp giữ vững vai trò đầu tàu, là cực tăng trưởng và đóng góp cho cả nước.
Bên cạnh đó, các cơ chế sau khi tổng kết thì Quốc hội, Chính phủ sẽ có chỉ đạo để thể chế hóa thực hiện chung cho cả nước. Đây là đóng góp ở góc độ phát triển thể chế hóa cho cả nước. TP.HCM một mặt chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để thí điểm, một mặt nhận từ các bộ ngành T.Ư, cụ thể là các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng... Đó cũng là đóng góp cho cả nước, nhận thí điểm chính sách của các bộ ngành.
Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM đã chuẩn bị tâm thế, lực lượng, điều kiện để thực hiện nghị quyết mới. TP.HCM đang tích cực phối hợp bộ, ngành và các Ủy ban của Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định trong kỳ họp sắp tới.
Cuối buổi họp báo, ông Phan Văn Mãi mong các cơ quan báo chí thông tin khách quan để các đại biểu Quốc hội cân nhắc, thảo luận, quyết định. Song song đó, TP.HCM tiếp tục phối hợp cơ quan Trung ương để kịp thời giải trình, đảm bảo thông tin minh bạch, thông suốt.
"Tinh thần là TP.HCM xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, triển khai thực tiễn để đóng góp thực tiễn cho cả nước chứ không đặt vấn đề xin những đặc ân, điều kiện thuận lợi về cho thành phố. Và nếu có thì đó cũng là vì mong muốn TP.HCM phát triển nhanh hơn, mạnh hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước", ông Mãi chia sẻ.
Làm gì để xóa bất cập về đất đai?
Liên quan đến chính sách mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nêu 3 cơ chế mới trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Thứ nhất, cho phép hộ gia đình, các tổ chức thuê đất hằng năm được áp dụng hệ số theo bảng giá đất. Điều này giúp doanh nghiệp biết mình phải trả tiền sử dụng đất bao nhiêu, đảm bảo minh bạch.
Thứ 2 là đa dạng hóa phương thức bồi thường để tạo quỹ đất, đó là bồi thường bằng tiền, bằng đất theo cùng loại đất bị thu hồi, và bằng đất khác theo tỷ lệ quy đổi. "Đa dạng hình thức bồi thường sẽ giúp nhà đầu tư tạo quỹ đất nhanh nhất", ông Thắng nhấn mạnh.
Cơ chế thứ 3 là xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Ông Thắng cho biết điều này quyết định tính liên thông, công khai, minh bạch và giải quyết nhanh các hồ sơ. Giám đốc Sở TN-MT đánh giá 3 cơ chế mới chỉ giải quyết một phần những bất cập hiện tại, còn lại vẫn phải chờ sửa đổi luật Đất đai.
Nơi nào đất đai lãng phí sẽ thu hồi và bán đấu giá
Liên quan đến phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh nhận định đất đai là nguồn lực lớn để tăng ngân sách, thực hiện các chủ trương lớn, tăng đầu tư công.
Khi xây dựng dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM đề xuất đối với các cơ quan Trung ương có nhà đất trên địa bàn sẽ rà soát, đấu giá và được hưởng 50% phần còn lại. Tuy nhiên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 74 năm 2022. Các cơ quan Trung ương đang sắp xếp lại theo chủ trương mới trên phạm vi cả nước.
"Ở đây có nghị quyết riêng của Quốc hội rồi, nên dự thảo nghị quyết mới không đưa vào mà thực hiện theo chủ trương của Quốc hội. Sắp tới, TP.HCM sẽ phối hợp các cơ quan rà soát, sắp xếp lại. Nếu không hiệu quả, để lãng phí thì sẽ thu hồi và tổ chức bán đấu giá", ông Minh nói.
Ngoài ra, TP.HCM cũng rà soát lại cơ sở nhà đất của các quận, huyện, sở ngành; nếu nơi nào lãng phí sẽ thu hồi và bán đấu giá.
Cơ chế nào để có tiền phát triển hạ tầng?
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về đề xuất phương thức đối tác công tư ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, cũng như hình thức BT thanh toán bằng tiền và BOT trên đường hiện hữu.
Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, qua rà soát nhu cầu thì các dự án văn hóa, thể thao cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ. Nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (luật PPP) không cho phép áp dụng đối với 2 lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Bà Mai cho biết, quá trình lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội và nhiều bộ, ngành thì nhận được sự đồng tình. Do đó, dự thảo nghị quyết đã mở rộng hình thức PPP đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Luật PPP hiện hành cũng không cho phép áp dụng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên các tuyến đường hiện hữu.
Bà Mai cho biết TP.HCM có nhiều công trình giao thông quan trọng cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Việc đề xuất cho áp dụng hình thức BT bằng tiền và BOT trên đường hiện hữu phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Để khắc phục bất cập khi triển khai hình thức BT trước đây, bà Mai nói bản thân hình thức BT không có lỗi, nhưng quá trình triển khai có vướng mắc, chưa thống nhất giữa các luật nên thực hiện chưa trôi chảy.
"Sau khi ban hành nghị quyết thì các bộ, ngành cùng TP.HCM sẽ thiết kế quy định để triển khai hiệu quả. TP.HCM thí điểm trước để các tỉnh, thành rút ra bài học kinh nghiệm, trước khi áp dụng lại trên cả nước", bà Mai nói thêm.
Chính sách cho nhân tài sẽ được tính toán mở rộng đến đâu?
Trả lời câu hỏi của báo chí về chính sách đặc thù cho các nhà khoa học, nhân tài, nhân lực chất lượng cao sẽ được mở rộng đến đâu, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ "mở rộng" hơn nữa không gian pháp lý, tạo tiền đề, sức phát triển mới cho TP.HCM tiếp tục phát huy các chính sách đột phá về thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện các chính sách để thu hút người có tài năng đặc biệt với số lượng nhiều hơn và hiệu quả cao hơn, TP.HCM sẽ được trao thêm thẩm quyền để xây dựng các chính sách để thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo bà Huệ, khi tham mưu xây dựng chính sách, TP.HCM đưa ra 3 nhóm chính sách gồm miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với yêu cầu làm việc ở các trung tâm ưu tiên của thành phố cũng như một số tiêu chí cụ thể khác; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt vào vị trí lãnh đạo các tổ chức khoa học - công nghệ đầu ngành; chính sách thù lao để thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ…
Về hạ tầng phát triển cho nghiên cứu khoa học, TP.HCM cũng đang tham mưu xây dựng các đơn vị về đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề lớn của thành phố, đặc biệt là công nghệ, khoa học, chuyển đổi số.
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư tư nhân
Trả lời đề cập của báo chí những điểm mới, khác biệt của nghị quyết mới về đầu tư kinh doanh để qua đó tạo động lực cho TP.HCM phát triển, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh việc thu hút đầu tư tư nhân là rất quan trọng với sự phát triển của TP.HCM. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động đầu tư kinh doanh có rất nhiều vướng mắc.
Theo bà Mai, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đã tổng hợp được 214 vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh. Các sở, ngành của TP.HCM cũng nhận thấy được các vướng mắc này. Trong đó, một số sẽ được thảo luận, giải quyết trong các kỳ họp Quốc hội sắp tới. Nhưng có vướng mắc phải giải quyết ngay, đặc biệt là hợp tác công tư.
Theo bà Mai, một trong 7 điểm mới của nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 là làm sao để khơi thông nguồn lực. Nghị quyết mới đặt ra các nhóm cơ chế chính sách mới, chưa được quy định tại Nghị quyết 54 như mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…
Bộ Chính trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với TP.HCM
Trong hơn 40 năm qua, Bộ Chính trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với TP.HCM thông qua 4 nghị quyết vào các năm 1982, 2002, 2012 và 2022. Trong các nghị quyết này, TP.HCM đều được xác định là đầu tàu kinh tế, là trung tâm của nhiều lĩnh vực như văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế… và là động lực tăng trưởng của khu vực phía nam.
Đây là định hướng nền tảng để TP.HCM có những bước phát triển mới, luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế cả nước cũng như nộp ngân sách cao nhất cả nước.
Năm 2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, giúp địa phương tháo gỡ được một số điểm nghẽn. Tuy nhiên, như chính đánh giá của lãnh đạo TP.HCM và nhiều chuyên gia, sự tăng trưởng của TP.HCM đang giảm tốc rõ rệt khi đối mặt với hàng loạt điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng.
UBND TP.HCM cho biết, từ năm 2022 TP.HCM đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, hội nghị để phân tích, mổ xẻ những kết quả đạt được cũng như hạn chế sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 54. UBND TP.HCM cũng phối hợp với Bộ KH-ĐT xây dựng các cơ chế mới sát thực tiễn và khả thi nhất để triển khai hiệu quả.
Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 đề xuất 44 cơ chế ở 7 lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP.Thủ Đức.
Những cơ chế vượt trội này sẽ được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong kỳ họp giữa năm, dự kiến khai mạc ngày 22.5.
Bình luận (0)