Chiều 4.3, đoàn giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn, làm việc với UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43) và Nghị quyết 57/2022 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM (Nghị quyết 57).
Vành đai 3 có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 76 km qua 4 địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Tại TP.HCM, dự án dài khoảng 47,5 km, được chia gồm 2 dự án thành phần, cấu phần xây dựng 22.411 tỉ đồng, cấu phần bồi thường 18.976 tỉ đồng, ảnh hưởng khoảng 1.671 hộ dân, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 410 ha. Đến nay, TP.HCM đã bàn giao hơn 98% diện tích cho chủ đầu tư triển khai toàn bộ các gói thầu xây lắp.
Dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM đang có tình trạng thừa vốn, chủ yếu là vốn bồi thường. Theo báo cáo của Sở TN-MT TP.HCM cuối tháng 10.2023, tổng nhu cầu kinh phí bồi thường và kinh phí di dời hạ tầng chỉ cần 11.688 tỉ đồng, giảm 7.206 tỉ đồng so với quyết định cuối năm 2022, và giảm hơn 50% so với lúc khái toán nghiên cứu tiền khả thi.
Liên quan đến phần vốn còn dư, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề xuất sử dụng nguồn vốn này đầu tư các hạng mục khác của Vành đai 3 theo từng dự án độc lập. Cách làm này sẽ đẩy nhanh được tiến độ vì không tăng vốn thì không cần phải điều chỉnh dự án. Trước khi thực hiện, việc này sẽ được báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Mãi, các hạng mục này đã từng được nghiên cứu nhưng tại thời điểm thông qua chủ trương phải cắt đi vì vấn đề kinh phí. Hơn nữa, việc đầu tư thêm các hạng mục cũng nhằm giải quyết những hạn chế của đường 4 làn xe (2 làn mỗi bên).
Dự kiến, TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, dùng ngân sách địa phương để đầu tư công trình đi qua địa phương khác để Vành đai 3 đồng bộ.
Sẵn sàng hỗ trợ Đồng Nai
Đánh giá gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 57, lãnh đạo TP.HCM đưa ra các mốc thời gian và nhìn nhận đến giờ này rất thành công. Cụ thể, tháng 6.2022, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, sau đó Chính phủ có nghị quyết riêng để triển khai. Đến tháng 6.2023, dự án khởi công.
Ông Phan Văn Mãi cho biết những ngày này đi thực tế công trường sẽ thấy tuyến đường đã nên hình hài. TP.HCM và các địa phương quyết tâm cuối năm 2025 thông xe, năm 2026 hoàn thiện và năm 2027 quyết toán dự án.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM bộc bạch TP.HCM triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết 98/2023 rất tập trung và làm cật lực mới mang lại kết quả như hiện nay, hoàn toàn không có sự né tránh hay sợ không làm.
"TP.HCM sẽ thể hiện điều đó bằng kết quả thực hiện Nghị quyết 98, các nghị quyết khác của Quốc hội cũng như các chủ trương phát triển, chiến lược kinh tế - xã hội để xứng với niềm tin, trách nhiệm được giao", ông Mãi nói thêm.
Ông Phan Văn Mãi nhìn nhận chính cơ chế chỉ định thầu các gói thầu tư vấn đã giúp dự án sớm khởi công. "Nếu không chỉ định thầu thì thủ tục đầu tư dự án kéo dài 1-3 năm", ông Mãi lý giải, đồng thời đề xuất nhân rộng hình thức này ra các dự án trọng điểm khác. Riêng phần xây lắp của dự án Vành đai 3 vẫn thực hiện theo thủ tục đấu thầu.
Riêng công tác giải phóng mặt bằng của Đồng Nai còn chậm, lãnh đạo TP.HCM cho biết khối lượng giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn Đồng Nai rất lớn, ngoài Vành đai 3 còn sân bay Long Thành. Địa phương này cũng đang gặp khó khăn về nhân sự chỉ đạo, điều hành cũng như nhân sự thực hiện. Ông Mãi khẳng định TP.HCM sẵn sàng chia sẻ với Đồng Nai để đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Về nguồn vật liệu, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết vừa rồi TP.HCM lập đoàn công tác do một phó chủ tịch làm việc các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu về nguồn cát, báo cáo Thủ tướng phương án giải quyết.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề xuất sớm đánh giá hiệu quả việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp để giải quyết phần nào nhu cầu, đồng thời nghiên cứu phương án đầu tư cầu cạn ở một số đoạn tuyến, thay vì làm đường trên mặt đất.
Bình luận (0)