Theo Sở Y tế Quảng Nam, liên quan đến bệnh nhân 2982 ghi nhận tại TP.Đà Nẵng (nam, 28 tuổi, địa chỉ tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam; làm việc tại Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), hiện ngành y tế đã cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm 35 trường hợp F1; cách ly tại nhà và nơi lưu trú 34 trường hợp F2. Trong ngày 4.5, ngành y tế vẫn đang tiếp tục truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan ca bệnh này.
|
'Giải cứu' công dân về nước là vì con em chúng ta
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết vừa qua UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ tạm dừng tiếp nhận công dân từ nước ngoài về. Phải chăng tỉnh Quảng Nam cũng nên có văn bản xin tạm dừng tiếp nhận công dân người Việt Nam từ nước ngoài về hoặc có những kiến nghị, báo cáo khó khăn, vướng mắc với Chính phủ.
“Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận hàng chục đợt với hàng ngàn công dân. Tỉnh phải tổ chức tiếp nhận, đưa đón công dân từ sân bay về nơi cách ly, mỗi đợt hàng trăm người. Các cơ quan chức năng của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tân nói.
Tuy nhiên, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho rằng thống nhất quan điểm hết sức bình tĩnh nhưng không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng nâng cấp độ chống dịch khi tình hình dịch có diễn biến mới. Đồng thời, đề nghị kích hoạt 584 tổ giám sát cộng đồng, giám sát những người ở xa, lạ mặt, yêu cầu khai báo để theo dõi. “Việc dừng các hoạt động phải cân nhắc, nên dừng một số nơi đông người gần với TP.Đà Nẵng (TX.Điện Bàn, H.Duy Xuyên, TP.Hội An…), không nhất thiết phải áp dụng trên toàn tỉnh.
Về vấn đề “giải cứu” công dân về nước, ông Phan Việt Cường cho rằng phải làm vì con em chúng ta ở nước ngoài. “Quảng Nam - Đà Nẵng không làm thì ai làm. Thực tế, Quảng Nam có điều kiện thuận lợi khi gần sân bay quốc tế Đà Nẵng, có cơ sở vật chất. Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng phải cố gắng”, ông Cường nói.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần nhận định sát tình hình, theo dõi, nắm bắt diễn biến của TP.Đà Nẵng để từ đó tính toán trên địa bàn tỉnh sao cho phù hợp; trọng tâm nhất là khu vực TP.Hội An.
“Đối với TP.Hội An phải khẩn trương ngay, những khu vực nào cần khoanh vùng là phải làm. Phải tranh thủ giờ vàng xử lý, dập dịch chứ để lan ra khắp nơi mới xử lý thì sẽ vô cùng khó khăn”, ông Thanh yêu cầu.
|
Khẩn trương đáp ứng thiết bị, máy móc
Ông Thanh cũng nhấn mạnh: “Việc mua sắm máy móc thiết bị phải tích cực khẩn trương đáp ứng đủ. Cán bộ làm việc chậm phải điều chuyển qua vị trí khác. Đối với việc này tất cả các sở ngành liên quan phải xem xét lại cán bộ của mình. Một ông ngồi “cố thủ” làm việc ì ạch, chậm trễ, trong khi công việc của tỉnh phải chờ ông chuyên viên này là quá vô lý. Tái phạm thì cho nghỉ việc ngay”.
Cũng theo ông Thanh, việc mua sắm máy móc phải thực hiện đấu thầu - vấn đề này đã thống nhất. Riêng các sinh phẩm, hóa chất để phục vụ cho xét nghiệm thống nhất theo hình thức chỉ định thầu. “Có máy mà không có hóa chất, sinh phẩm thì chả khác nào xe không có xăng, nếu không có xăng làm sao chạy được”, ông Thanh ví von.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận, cách ly 18 đợt với 4.733 công dân từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)