Chủ tịch Quảng Nam: 'Xử lý vướng mắc dự án nhà ở thương mại còn kéo dài'

06/12/2023 10:01 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị… còn kéo dài.

Sáng 6.12, kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam lần thứ 18, khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) đã diễn ra phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho rằng tại kỳ họp cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022 (đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay), công nghiệp gặp khó khăn, khó phục hồi.

Chủtịch Quảng Nam: 'Xử lý các vướng mắc dự án nhà ở thương mại còn kéo dài' - Ảnh 1.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc kỳ họp

MẠNH CƯỜNG

Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đạt dự toán và chỉ bằng 71,6% so với cùng kỳ (trong đó, thu nội địa đạt 100% dự toán); việc triển khai một số công trình, dự án chưa bảo đảm đúng tiến độ; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn gặp nhiều khó khăn; một số chỉ số cải cách hành chính giảm so với năm trước; tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại đa số các cơ sở y tế công lập vẫn còn xảy ra…

Đáng chú ý, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về trật tự, an toàn xã hội…

Trước những khó khăn, hạn chế mà tỉnh phải đối mặt trong năm qua, ông Cường đề nghị tại kỳ họp cần tập trung xem xét, thảo luận chỉ ra khuyết điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.

Ngoài ra, cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2024 và giai đoạn đến như: Phê duyệt chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Phân bổ chi tiết kế hoạch vốn từ nguồn dự phòng xây dựng cơ bản ngân sách tỉnh còn lại năm 2023…

Nhiều chỉ tiêu không đạt

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25%. 

Nguyên nhân là do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô.

Chủtịch Quảng Nam: 'Xử lý các vướng mắc dự án nhà ở thương mại còn kéo dài' - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023

MẠNH CƯỜNG

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến 23.951 tỉ đồng (đạt 89,8% so với dự toán). Đến cuối năm 2023, tổng nguồn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 103.106 tỉ đồng (tăng 4,87% so với đầu năm).

Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt (tăng 5,6 lần). Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỉ đồng (tăng 2 lần). Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỉ đồng.

"Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, so với 15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra năm 2022, dự kiến vượt đối với 3 chỉ tiêu, 9 chỉ tiêu dự kiến đạt và 3 chỉ tiêu không đạt", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm. Việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị,… còn kéo dài.

Chủtịch Quảng Nam: 'Xử lý các vướng mắc dự án nhà ở thương mại còn kéo dài' - Ảnh 3.

Dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc do Công ty STO làm chủ đầu tư đang bị điều tra

MẠNH CƯỜNG

Công tác quản lý quy hoạch được duyệt, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng tại một số địa phương còn hạn chế. Việc triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải còn chậm.

Ngoài ra, việc mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, đấu thầu thuốc còn lúng túng.

Đáng chú ý, trong năm 2023, đã xảy ra một số hạn chế, khuyết điểm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, giá đất, khoáng sản... 

Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu cần có giải pháp khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm do các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã chỉ ra…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.