Chủ tịch Quốc hội: Bổ sung dự toán ngân sách cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

10/07/2024 09:49 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương.

Sáng 10.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 35. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Quốc hội: Bổ sung dự toán ngân sách cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

GIA HÂN

Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 7 được đánh giá là kỳ họp có nhiều nội dung, thời gian dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Qua 27,5 ngày làm việc, Quốc hội đã tiến hành làm việc đảm bảo theo đúng nội dung, chương trình và các đại biểu Quốc hội cũng đi tiếp xúc cử tri trên cả nước để báo cáo về kết quả của kỳ họp.

Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội đánh giá là nội dung rất quan trọng và đến thời điểm hiện tại còn khoảng 3 tháng nữa sẽ tổ chức kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, rút kinh nghiệm từ các lần trước, lần này cần chủ động từ sớm, từ xa các công việc của Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội.

"Nếu chuẩn bị sớm, tốt sẽ đảm bảo tài liệu cho đại biểu Quốc hội và thẩm tra của các cơ quan, ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, chất lượng các báo cáo sẽ có sự nâng lên. Vừa qua đã có bước khắc phục, tiến bộ về tài liệu và tới đây với kỳ họp thứ 8 cần tiến bộ hơn để thành công tốt đẹp", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có sự phối hợp sớm, chặt chẽ giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ để chuẩn bị cho kỳ họp.

Ngoài nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về giải thể, thành lập, sáp nhập một số cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân Việt Nam; dự thảo nghị quyết về việc kiện toàn tổ chức bộ máy, kiểm sát viên VKS quân sự các cấp.

Cùng với đó, xem xét, quyết định 2 vấn đề về tài chính, ngân sách, bao gồm việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Cùng đó là việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương; hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội: Bổ sung dự toán ngân sách cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an- Ảnh 2.

Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 1,5 ngày

GIA HÂN

Theo Chủ tịch Quốc hội, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 đã phân bổ và hiện các bộ, ngành đang triển khai nhưng tiến độ rất chậm. Trong kỳ họp thứ 7, báo cáo tiến độ giải ngân mới đạt 8,6% vốn tăng thu, tiết kiệm chi của 2022.

Đồng thời, Quốc hội vừa qua đã quyết số tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 để Chính phủ có điều kiện phân bổ cho các ngành, địa phương các công trình cấp bách, quan trọng để đảm bảo điều hành kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ lần này bàn các dự án tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo dân nguyện tháng 5 và tháng 6, cho ý kiến về chủ trương về diễn đàn pháp luật và diễn đàn giám sát tối cao của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nội dung rất mới, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức theo tinh thần "đúng vai, thuộc bài" và làm sao Quốc hội tổ chức tốt diễn đàn pháp luật để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, công tác lập pháp của Quốc hội. Cùng đó, nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội và giám sát phải đảm bảo nội dung đúng, trúng những vấn đề nhân dân quan tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.