Sáng 9.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt trình bày.
Thẳng thắn chỉ rõ báo cáo “có cảm giác rất nhiều màu hồng”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, phần phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân không rõ.
Doanh nghiệp đã dùng đến đồng dự trữ cuối cùng
Ví dụ trong kết quả năm 2022, ông Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước. Không phải đến quý 1/2023, tăng trưởng mới giảm đột ngột, rơi từ 8,2% xuống 3,3% mà cuối quý 3, đầu quý 4/2022 đã có xu hướng giảm.
“Tăng trưởng rất thấp, báo cáo của Chính phủ là thấp hơn cùng kỳ, nhưng khẳng định của Ủy ban Kinh tế là tăng trưởng rất thấp, so với chỉ tiêu và khả năng của nền kinh tế”, ông Phương nói.
Cho rằng các chỉ số kinh tế đầu năm 2023 đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, song Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho biết các chuyên gia và nhà khoa học nêu, dòng tiền vẫn còn nghẽn trong đó, chưa phát huy tác dụng.
“Cần xem lại sở hữu chéo, sân sau của ngân hàng là các doanh nghiệp thân thuộc, kể cả các ngân hàng thương mại”, ông Phương nói.
Chỉ ra những điểm còn lệch pha trong báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Quốc hội, ông Phương cũng dẫn ra ví dụ về thị trường việc làm, lao động. Chính phủ nói việc làm và thu nhập được cải thiện. Nhưng Ủy ban Văn hoá - Giáo dục đánh giá tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên, cần phải xem lại cho thực chất.
“Kinh tế của chúng ta là kinh tế mở, nhưng nếu bên trong tốt thì giảm thiểu được tác động bên ngoài. Nhưng thực tế là doanh nghiệp, người dân bị bào mòn sức lực. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì doanh nghiệp nói rất thẳng thắn. Họ đã dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho 2 năm vừa rồi, giờ thì không dư địa nào để làm”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu.
Cũng theo ông Phương, nguyên nhân tình trạng trên do chậm giải quyết các tồn tại như cơ cấu lại ngân hàng yếu kém, dự án yếu kém…
“Dự báo để tham mưu cũng có những bị động, phản ứng chính sách không kịp thời. Chúng ta cần kiểm tra lại xem có cực đoan không, tức là nhảy từ thái cực này sang thái cực khác không.
Như người dân phản ánh ví dụ tiêu chí định mức phòng cháy chữa cháy (PCCC), ví dụ như kiểm định xe, trái phiếu doanh nghiệp và một số vấn đề khác”, ông Phương nói.
'Còn mười mấy ngày hết năm mới nới room tín dụng'
Cùng quan điểm với Phó chủ tịch Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, báo cáo kinh tế xã hội có nhiều cái màu hồng lắm, nhưng yếu kém lại được đề cập chung chung, đánh giá chưa sát, nên cần đánh giá sát thực và khách quan hơn.
Với ngân sách, theo Chủ tịch Quốc hội, xây dựng dự toán quá thấp, vô hình trung tự mình bó hẹp không gian tài khoá. Phải phấn đấu tăng thu để tăng chi, nhưng xây dựng dự toán thấp thì chi cũng thấp, dẫn tới vượt thu cũng không có phương án để chi ngân sách.
“Dự toán ngân sách vượt 400.000 tỉ đồng, gần 20 tỉ USD. 'Bệnh' này mấy năm rồi không khắc phục được, và có phần trách nhiệm của kiểm toán Nhà nước, cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Vượt thì mừng, nhưng lo là quy trình ngân sách 'có vấn đề'. Các nước họ thảo luận ngân sách mất vài tháng, chứ không phải vài buổi rồi thông qua như chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Ghi nhận kết quả giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lạm phát là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều cú sốc cả trong và ngoài (FED tăng lãi suất, cú sốc liên quan ngân hàng SCB), Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo phải nhấn mạnh thêm khía cạnh này.
”Năm ngoái khi xảy ra vấn đề anh em chúng tôi lo lắm, không ngủ được. Nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định vượt qua được cho thấy nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trước những cú sốc lớn, là đáng ghi nhận”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các thị trường xuất hiện tình trạng khó khăn, từ tài chính, tiền tệ tới bất động sản, không có thanh khoản. Các khoản ngân sách trong ngân hàng gần 1 triệu tỉ đồng nhưng không giải ngân được. Cung tiền thì thiếu, lãi suất thì cao. Chính phủ đánh giá sát hơn tình hình năm 2023 để có kịch bản ứng phó kịp thời.
Lạm phát 3,15% năm 2022 là điểm sáng nhưng theo các chuyên gia “điều hành quá chặt”, bỏ lỡ nhiều cơ hội điều chỉnh dịch vụ công.
Đặc biệt, việc điều hành chính sách tiền tệ còn chậm, nới room tín dụng quá muộn khi chỉ còn mười mất ngày cuối năm 2022, kết quả không dùng hết room tín dụng mở ra và không dùng hết room tín dụng cũ (14%). Phản ứng chính sách thiếu nhạy bén, cần suy nghĩ để rút kinh nghiệm điều hành.
Dẫn ra các chỉ số lớn của kinh tế 4 tháng đầu năm như công nghiệp giảm 4,8%, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% (gần bằng số lập mới), thu hút FDI giảm gần 18% so với cùng kỳ 2022…, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, con số nói hết tất cả.
Cho rằng các thị trường đang vướng mắc, doanh nghiệp, người dân đang khó khăn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp tập trung. Ví dụ quy hoạch còn tắc, kế hoạch sử dụng đất vướng và chậm 4 tháng so với Nghị quyết của Quốc hội, thì làm sao có dự án đầu tư được, giải pháp thế nào? Quy hoạch tỉnh chưa phê duyệt thì làm sao doanh nghiệp làm được?
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ. Khắc phục một bộ phận lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm khi “việc của anh đẩy cho người khác, việc cấp dưới đẩy lên cấp trên”.
Bình luận (0)